Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2007

Vấn : tại sao có lúc cơ thể rất thèm ngọt ?


Chất ngọt thì ai mà lại không thích, có lẽ chỉ có những người ghiền hút thuốc họ mới ít ưa chất ngọt, cũng không hiểu tại sao. Nhưng khi đã biết được lạm dụng chất ngọt là không tốt thì người ta mới ráng kiêng cử vậy thôi.


Theo đông y thì 5 vị thuộc về ngũ hành, chua đi vào gan, mặn đi vào thận, ngọt đi vào tỳ, cay đi vào phế, và đắng đi vào tim. Cho nên khi mình lạm dụng vị nào thì cơ tạng liên quan sẽ bị mất quân bình. Ví dụ : Ăn mặn nhiều thì thận sẽ mất quân bình, thận thuộc thủy cho nên theo luật sinh khắc của ngũ hành, khi thủy mất quân bình sẽ khắc hỏa (tim) và thổ (tỳ) . Cho nên bác sĩ khuyên người bệnh tim (cao máu) không nên ăn mặn quá.


Ăn ngọt nhiều thì tỳ sẽ mất quân bình. Mặc dầu chất ngọt rất cần để sản xuất năng lượng cho cơ thể, nhưng máy xe có xăng nhiều quá có thể bị ngộp xăng không chạy tốt. Tình trạng này đông y gọi là 'thấp', nghĩa là đất bị ẩm ướt quá khiến cho cây cối bị úng thủy thối gốc.


Triệu chứng đại tiện phân lỏng là tỳ bị thấp, còn khi tỳ thổ quân bình đi cầu phân có khuôn rỏ rệt . Hơn nữa chất ngọt còn được phân loại là âm tính. Đặc tính của âm là nặng đi xuống dưới, còn dương thì nhẹ thăng lên trên. Cho nên người nào ăn ngọt nhiều thì khí sẽ bị trệ, nghĩa là khí đi xuống dưới chân làm cho cơ thể nặng nề và có khuynh hướng nở theo bề ngang (obesity). Trong đông y có vị trần bì là vỏ quít có đặc tính làm cho ráo (táo) tỳ vị và thăng khí. Có lẽ vì vậy là người Hoa họ nấu chè ưa bỏ thêm vỏ quít để làm cho loại thức ăn khoái khẩu này trở nên quân bình ?
Góp ý : anh Lê Công Luận ( Úc Châu )