Thứ Ba, 12 tháng 6, 2007

Thế giới hoảng sợ vì hàng Trung Quốc


Saturday, 9. June 2007

Từ đầu năm đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới liên tiếp phát hiện hàng loạt sản phẩm tiêu dùng và thực phẩm do Trung Quốc sản xuất có chứa hóa chất độc hại, khiến hàng trăm người đã chết.


Đầu tháng 5, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố khoảng 2,5-3 triệu người Mỹ đã sử dụng thịt từ gia cầm ăn bột rau bị nhiễm melamine có nguồn gốc từ Trung Quốc. Melamine là hóa chất được sử dụng làm phân bón, đồ nhựa và các nhà nghiên cứu khẳng định hóa chất này có thể gây ung thư.


Cùng thời điểm đó, FDA cũng lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng về loại hóa chất cực độc diethylene glycol (DGE) có trong mặt hàng glycerine giả được sản xuất tại Trung Quốc. Hóa chất này làm hư thận rồi tác động tới thần kinh trung ương, gây suy hô hấp và dẫn tới tử vong. Điều đáng sợ là glycerine là thành phần không thể thiếu của hàng chục loại thuốc, syro, kem đánh răng...


Sự hoảng sợ của người tiêu dùng bùng lên khi quốc gia Trung Mỹ Panama phát hiện chất DGE có trong glycerine làm giả ở Trung Quốc đã được sử dụng để sản xuất syro trị ho, thuốc cảm và một số dược phẩm khác tại nước này. Công bố được đưa ra quá muộn khi trước đó vào cuối năm 2006, hơn 360 người Panama thiệt mạng sau khi sử dụng thuốc cảm có chứa glycerine dỏm.


Ngay sau đó, Australia và các quốc gia Trung Mỹ như Panama, Cộng hòa Dominican, Costa Rica và Nicaragua lại phát hiện sự có mặt của độc chất DGE trong hàng loạt loại kem đánh răng nhập từ Trung Quốc, trong đó có hai nhãn hiệu rất phổ biến là “Mr. Cool” và “Excel”. Theo nhà chức trách Panama, Mr. Cool và Excel chứa tới 4,6% chất DGE, cao gấp 50 lần hàm lượng an toàn cho phép, là thủ phạm cướp đi sinh mạng của hơn 100 người và làm 500 người khác bị nhiễm độc ở nước này.


Áo quần trẻ em cũng có chất độc


Tháng 5, báo chí Australia công bố bằng chứng cho thấy các sản phẩm dệt may của Trung Quốc chứa hàm lượng chất formaldehyde rất cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), formaldehyde gây tác hại cho da và hệ thống hô hấp dù chỉ với một hàm lượng rất thấp và dẫn đến các bệnh về bạch cầu, ung thư phổi...


Theo nhật báo Sydney Morning Herald, loại chăn mang nhãn hiệu Sheridan Indulgence nhập từ Trung Quốc, đang được bày bán rộng rãi khắp Australia, có chứa hàm lượng formaldehyde với tỷ lệ cao gấp 10 lần cho phép của các tiêu chuẩn quốc tế. Các nhà sản xuất Trung Quốc thường sử dụng formaldehyde này để chống nhăn và chống co rút các sợi vải nhân tạo dùng trong các bộ drap, gối giường ngủ, áo quần trẻ em và đồ chơi bằng vải.


Cũng trong tháng 5, Wal-Mart, hệ thống siêu thị lớn nhất nước Mỹ, tuyên bố thu hồi tã lót cho trẻ em nhập từ Trung Quốc sau khi xét nghiệm cho thấy sản phẩm này chứa chì ở mức độ rất cao.


Mất lòng tin vào sản phẩm made in China


Trước hàng loạt cáo buộc, chính quyền Trung Quốc đều im lặng hoặc phủ nhận sự liên quan. Khi cuộc “khủng hoảng thức ăn vật nuôi 2007” nổ ra, Bắc Kinh tuyên bố không hề xuất khẩu mì căn sang Mỹ và melamine không gây độc hại. Tuy nhiên, ngay sau đó, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm sử dụng melamine trong sản phẩm bột rau xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa.


Đến đầu tháng 5/2007, Cơ quan quản lý chất lượng Trung Quốc buộc phải thừa nhận hai công ty công nghệ sinh học đã cố tình xuất khẩu nguyên liệu thức ăn vật nuôi bị nhiễm melamine và thuốc diệt chuột sang Mỹ và Nam Phi.


Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng thừa nhận “một công ty Trung Quốc” đã làm giả chất glycerine (có trong thuốc, mỹ phẩm...) bằng hóa chất cực độc DGE.Ngày 22/5, Cục Bảo vệ người tiêu dùng của Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng thế giới đang mất lòng tin vào hàng hóa Trung Quốc.


FDA cũng chính thức ra khuyến cáo người tiêu dùng Mỹ không nên dùng bất kỳ sản phẩm kem đánh răng nào sản xuất từ Trung Quốc.Thế nhưng, tại cuộc họp báo về thông tin hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu kém chất lượng, gây ngộ độc, phó cục trưởng Cục Kiểm tra chất lượng Trung Quốc Ngụy Truyền Trung cho biết vụ ngộ độc thuốc ở Panama do lỗi của nước sở tại. Còn về vụ kem đánh răng có chất gây ung thư gan là được một công ty ở Giang Tô sản xuất theo yêu cầu hợp đồng, mẫu hàng của khách hàng, trên bao bì đều ghi rõ hàm lượng DGE trong tiêu chuẩn cho phép.


(Theo Tuổi Trẻ)