Thứ Hai, 11 tháng 6, 2007

Hàn the, formol: Cứ thử là có



Formol, hàn the là hóa chất độc hại đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong thực phẩm. Thế nhưng người sản xuất vẫn sử dụng và chưa có hứa hẹn bao giờ sẽ chấm dứt tình trạng này. 100% có formol, hàn the…

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến một số chợ mua bánh phở, mì sợi, bánh ướt... và gửi đến Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM xét nghiệm định danh hàn the và formol. Kết quả xét nghiệm của trung tâm này trả lời hầu hết các mẫu thực phẩm chúng tôi gửi đến đều có chứa formol, hàn the.

Cụ thể, mỳ sợi tươi có hàn the rất cao (ở mức +++), bánh phở (đều mua tại chợ Trần Hữu Trang, Q.Phú Nhuận) có formol ở mức +++. Mẫu mỳ Quảng mua ở chợ Nguyễn Văn Trỗi, Q.3 chứa formol ở mức +++. Mì sợi tươi mua ở chợ Tân Định, Q.1 cũng phát hiện hàn the ở mức như các chợ trên.

Chị Vũ Thị Mến (74C/3 Trần Hữu Trang, P.10, Q.Phú Nhuận): “Biết hàn the và formol độc hại cho sức khỏe, nhưng tôi không thể biết cơ sở sản xuất có bỏ chất này vào thực phẩm hay không. Tại sao cơ quan chức năng cứ để những cơ sở sản xuất làm ăn kiểu này gây hại sức khỏe người tiêu dùng? Theo tôi, chỉ phạt thì chưa đủ mà phải làm thế nào để thức tỉnh người SXKD”.

Tại chợ Kiến Thiết, Q.Phú Nhuận chúng tôi mua hai mẫu bánh phở và mỳ sợi tươi, kết quả là bánh phở có formol ở mức ++, mỳ sợi tươi có hàn the ở mức +++. Tại chợ Tân Sơn Nhất, Q.Gò Vấp, chúng tôi mua ba mẫu mỳ sợi tươi, bánh phở và bánh ướt. Kết quả mì sợi tươi cũng có hàn the ở mức +++. Riêng bánh phở và bánh ướt không có hai chất này.

Giám sát thực phẩm tết 2007 mới nhất của Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM cảnh báo hàn the, formol vẫn còn trong nhiều loại thực phẩm khác nhau (xem biểu đồ). Trước đó, từ tháng 2 đến tháng 11/2006, viện này cũng khảo sát việc sử dụng hàn the trong một số nhóm thực phẩm tương tự tại TPHCM. Kết quả: 55/214 mẫu kiểm nghiệm có sử dụng hàn the, chiếm hơn 27%.

Khảo sát trong ba năm 2004, 2005 và 2006 của TTYTDP TPHCM cũng đưa ra những con số giật mình về hàn the. Năm 2004, có 64% mẫu (2.566 mẫu) giò sống, chả lụa, bánh giò, mì sợi được kiểm nghiệm có hàn the. Năm 2005 giám sát trên bốn loại thực phẩm này phát hiện 44% mẫu (1.285 mẫu) có hàn the. Năm 2006, giám sát tiếp bốn loại thực phẩm trên cũng phát hiện 40% số mẫu (1.349 mẫu) có hàn the. Trong đó bánh giò từ 4% (năm 2004) tăng lên 32% mẫu có hàn the; giò sống có hàn the tăng từ 28% (2004) lên 52%. Riêng formol qua xét nghiệm cũng phát hiện còn trong thực phẩm.



Biết độc vẫn làm

Trưa 29/1, chúng tôi ghé chợ Trần Hữu Trang. Tại một sạp bán mỳ sợi tươi và nhiều loại thực phẩm khác, chị Bùi Thị Minh Tý cho biết do sạp chị bán ít nên lò không giao hàng trực tiếp mà chị thường lấy mỳ sợi qua “lái”. Do lấy hàng qua lái nên chị không biết cơ sở sản xuất ở đâu.

Khi chúng tôi hỏi chị có biết một số loại thực phẩm như mỳ sợi, bánh phở... có chứa hàn the, formol không, chị bảo: “Không biết, chỉ biết bán thôi”. Tuy nhiên, người em của chị lại nói: “Bây giờ sử dụng chất đó không được đâu. Người ta (người tiêu dùng) biết, người ta la lên rồi”.

Một khảo sát năm 2005 của TTYTDP TPHCM trên 450 người sản xuất kinh doanh (SXKD) cho thấy hơn 91% người SXKD biết hàn the là chất độc. Thế nhưng trả lời câu hỏi vì sao biết độc mà vẫn mua, bán sản phẩm có hàn the thì 19,5% cho rằng vì rẻ tiền; 19,3% cho là vì ngon; 22% cho rằng ăn ít không sao; hơn 24% cho biết không biết chỗ nào mua an toàn; 3,9% biết chỗ an toàn nhưng sản phẩm không ngon nên không mua.

Khảo sát 177 người SXKD về vấn đề “có biết SXKD giò chả, mỳ sợi và các sản phẩm của nó có hàn the thì bị xử phạt tiền và hủy hàng không?”, hơn 72% người nói biết nhưng vẫn... sử dụng!

Về phía người tiêu dùng, khảo sát của trung tâm này cũng cho thấy 90,5% người được khảo sát biết hàn the là chất độc hại cho sức khỏe nhưng 22% cho rằng hàn the ăn ít không sao; hơn 20% cho rằng vẫn ăn vì ngon; hơn 17% ăn vì rẻ và hơn 7% chấp nhận sử dụng sản phẩm có hàn the!


Theo Lê Thanh Hà - Tuổi trẻ