Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009

Nằm để kiềm chế cơn thịnh nộ

Nằm xuống khi bị lăng mạ có thể làm tổn thương lòng kiêu hãnh của bạn, song hành động đó giúp bạn kiềm chế cơn giận tốt hơn.


Tư thế nằm giúp bạn kiềm chế cơn giận tốt hơn khi bị xúc phạm.


Các nhà tâm lý của Đại học Texas A&M tuyển hàng chục tình nguyện viên để thực hiện thử nghiệm về khả năng kiềm chế cơn giận. Họ yêu cầu các tình nguyện viên viết ra suy nghĩ của bản thân về một vấn đề mà họ luôn phản đối như nạo phá thai hay hút thuốc lá nơi công cộng.

Nhóm nghiên cứu gắn điện cực lên đầu tất cả tình nguyện viên để theo dõi hoạt động não rồi nói rằng một nhóm người ở phòng bên cạnh sẽ đánh giá bài viết của họ. Sau đó một người ở phòng bên đọc to lời nhận xét về các bài viết trước microphone. Người này chế giễu các tình nguyện viên, cho rằng suy nghĩ của họ là mông muội, hẹp hòi, phiến diện và không logic.

Màn hình của các máy đo cho thấy, hoạt động thần kinh trong não những người nghe sỉ nhục ở tư thế đứng và ngồi tăng rất mạnh. Các thông số chỉ ra rằng phần lớn tình nguyện viên cảm thấy tức giận và muốn tấn công người sỉ nhục họ.

Tuy nhiên, hoạt động não của những người nằm chỉ tăng chút ít. Não của họ cũng không phát ra tín hiệu muốn tấn công người ở phòng bên.

Nhóm chuyên gia kết luận rằng, tư thế cơ thể có thể tác động tới cách thức xử lý cảm xúc trong não.

"Những người nghe lời lăng mạ ở tư thế đứng dễ bị kích động hơn cả. Vì thế mà nguy cơ xảy ra xô xát cũng lớn hơn", Eddie Harmon-Jones, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, nhận xét.

Peter Bandettini, một chuyên gia của Viện Sức khỏe thần kinh Mỹ, nói: "Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ tư thế của cơ thể có thể ảnh hưởng tới khả năng kiềm chế cơn giận, nhưng thử nghiệm này đã cung cấp bằng chứng về điều đó".

Theo Telegraph

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

HẠNH PHÚC TUỔI HẠC

Bạn có bao giờ ngắm kỹ một con hạc trắng chưa? Nó trông thật mảnh mai; chân dài, người mỏng, trong một bộ lông trắng muốt. Trông nó thanh cao như một người luống tuổi mà vẫn giữ được phong cách ung dung.. Con hạc được coi là một con vật sống lâu cho nên người ta gọi tuổi của các cụ là tuổi hạc.

Ðầu tháng năm vừa qua, tôi sang chơi với vợ chồng người anh ở bênVienna, D.C. Ðằng sau nhà anh tôi có một con đường mòn dẫn tới một công viên. Con đường mòn vào cuối Xuân chớm Hạ thật là đẹp. suối róc rách chẩy, cây cỏ xanh mướt, những bông hoa núi nở trắng xóa. Chúng tôi mỗi buổi sáng dắt theo con chó đi bộ, vừa đi vừa trò chuyện. Tôi bất giác hỏi:
- Sao con người không giống cây cỏ, vào mùa đông héo, úa, rụng, đến xuân, hạ lại hồi sinh nhỉ?
Anh tôi cười, nói:
- Cứ giữ mãi được Xuân, Hạ trong lòng mình là tốt rồi.
Chúng ta những người ở lứa tuổi đang bước vào tuổi già hay đã già. Tinh thần và thể xác không còn như hai mươi năm, mười năm về trước hay thậm chí như mới năm ngoái nữa.

Thông thường bất cứ người mang quốc tịch nào, sinh sống ở phần đất hay hoàn cảnh nào thì khi về già hay ngồi gậm nhấm lại quá khứ. Chúng ta là những người từ một quê hương mất mát đến ở trọ một quốc gia khác, chúng ta còn nhiều điều gậm nhấm hơn nữa.

Ở tuổi già, không có phương tiện di chuyển, bị trở 1 ngại ngôn ngữ đã làm một số người sống một cuộc sống tẻ nhạt, từ tẻ nhạt đưa tới trầm cảm, khép kín. Từ đó sinh ra bao nhiêu bệnh, và khi có bệnh, sự chạy chữa xem chừng không có hiệu quả lắm cho những người này.

Bác Sĩ Ornish, tác giả cuốn sách Love & Survival, nói rõ: Tách lìa tình thân gia đình và bạn bè là đầu mối cho mọi thứ bệnh từ ung thư, bệnh tim đến ung nhọt và nhiễm độc. Tình thương và tinh thần là gốc rễ làm cho chúng ta bệnh hay khỏe.

Ba mươi năm trước mà nghe ai nói cô đơn sinh ra các chứng bệnh thì người ta sẽ chỉ cười nhẹ. Nhưng bây giờ điều này đã được nhiều bác sĩ công nhận là đúng.

Những buổi tĩnh tâm chung, có cầu nguyện, có tịnh niệm (tùy theo tôn giáo của mỗi người) chia sẻ những buồn vui, lo lắng của mình cùng người khác cũng giúp khai thông được những tắc nghẽn của tim mạch như là ăn những thức ăn rau, đậu lành mạnh vậy.

Nếu không nói ra được những gì dồn nén bên trong thì chính là tự mình làm khổ mình. Khi nói ra, hay viết ra được những khổ tâm của mình thì hệ thống đề kháng được tăng cường, ít phải uống thuốc.

Theo Bác Sĩ Ornish, khi bị căng thẳng cơ thể sẽ tiết ra một hóa chất làm cho mọi sinh hoạt ứ đọng, ăn không ngon, đầu không suy nghĩ, mạch máu trì trệ, mất sức đề kháng, dễ cảm cúm.

Như vậy sự cô đơn cũng là chất độc như cholesterol trong những thức ăn dầu mỡ, mà chỉ có tình thương mới cứu rỗi được.

Nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn ra thôi.

Tuổi như thế nào thì gọi là già, chúng ta biết khi một người qua đời ở tuổi 60 thì được gọi là 'hưởng thọ'. Vậy sau tuổi 60 mỗi ngày ta sống là một bonus, phần thưởng của Trời cho.
Chúng ta nên sống thế nào với những ngày 'phần thưởng' này. Lấy thí dụ một người lớn tuổi, sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao thiệp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chỗ tự than thân trách phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh.
Trong Những Lời Phật Dậy có câu: Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng.. Chắc trong quý vị không ai muốn rơi vào hoàn cảnh này.

Gặp gỡ bè bạn thường xuyên trong những sinh hoạt thể thao là điều tốt lành nhất cho thể lý. Ði tập thể thao như Tài Chi, Hồng Gia, nhẩy nhẹ theo nhạc, tắm hơi, bơi lội v.v... đã giúp cho người lớn tuổi giữ được thăng bằng, ít ngã, và nếu có bệnh, uống thuốc sẽ công hiệu hơn, mau lành hơn.

Gặp bạn, nói được ra những điều phiền muộn cho nhau nghe, ngồi tĩnh tâm, đến nhà thờ, chùa cầu nguyện giúp được làm chậm lại sự phát triển của bệnh. Bác Sĩ Jeff Levin giáo sư Ðại Học North Carolina khám phá ra từ hàng trăm bệnh nhân, nếu người nào thường xuyên đến nhà nguyện họ có áp suất máu thấp hơn những người không đến nhà nguyện, ông bỏ ra hàng đêm và nhiều cuối tuần để theo dõi, tìm hiểu những kết quả cụ thể của 'Tín Ngưỡng và Sức Khỏe'. Cuốn sách ông phát hành gần đây nhất có tên là God, Faith and Health. Trong đó ông cho biết những người có tín ngưỡng khỏe mạnh hơn, lành bệnh chóng hơn, ít bị nhồi máu cơ tim, gặp sự thăng trầm trong đời sống họ biết cách đối diện, họ luôn luôn lạc quan.

Lạc quan là một cẩm nang quý vị nên luôn luôn mang theo bên mình. Ðừng bao giờ nói, hay nghĩ là 'Tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho ai nữa' hoặc 'Tôi vụng về, ít học, chẳng làm gì được'.

Tôi xin kể câu chuyện Hai Con Ngựa của thầy phó tế George A.Haloulakos.

Cạnh nhà tôi có một cánh đồng cỏ, hàng ngày có một cặp ngựa, con nọ lớn hơn con kia một chút thong thả ăn cỏ ở đấy. Nhìn từ xa chúng là đôi ngựa binh thường giống những con ngựa khác. Tuy nhiên nếu bạn đến gần, bạn sẽ khám phá ra là có một con mù. Chủ nhân của nó chắc thương nó không nỡ bỏ đi, mà còn cho nó một chỗ ở an toàn. Chính điều này đã thành một câu chuyện tuyệt vời.

Ðứng bên chúng, bạn chợt nghe có tiếng chuông rung, phát ra từ cái đai nhỏ vòng quanh cổ con ngựa nhỏ hơn, chắc là một con cái. Tiếng chuông báo cho con bạn mù của nó, biết là nó đang ở đâu mà bước theo. Quan sát kỹ một chút bạn sẽ thấy cái cách con ngựa sáng chăm sóc con ngựa mù, bạn nó chu đáo như thế nào. Con ngựa mù lắng nghe tiếng leng keng mà theo bạn, nó bước chậm rãi và tin rằng bạn nó không để nó bị lạc. Trên đường trở về chuồng mỗi chiều, con ngựa nhỏ chốc chốc lại ngoái cổ lại nhìn bạn, muốn biết chắc bạn mù của nó vẫn đi theo tiếng chuông của nó để lại đằng sau..

Cũng giống như chủ nhân của đôi ngựa có lòng nhân từ, Thượng Ðế không bao giờ vứt bỏ bạn vì bạn kiếm khuyết, hoạn nạn hay gặp khó khăn. Người luôn luôn đem đến cho chúng ta những người bạn khi chúng ta cần được giúp đỡ.

Ðôi khi chúng ta là con ngựa mù, được dẫn dắt bởi tiếng chuông mầu nhiệm mà Thượng Ðế đã nhờ ai đó rung lên cho chúng ta. Những khi khác chúng ta là con ngựa dẫn đường, giúp kẻ khác nhìn thấy.

Bạn hiền là như vậy. Không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy họ, nhưng họ thì luôn hiện diện đâu đó. Hãy lắng nghe tiếng chuông của nhau. Hãy tử tế hết sức mình, bởi vì có một người mà bạn gặp trên đời, biết đâu cũng đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó họ phải phấn đấu để vượt qua.


Không gì hơn là tuổi già nương dựa vào nhau trong tình bạn. Luôn luôn nghĩ bao giờ mình cũng có cái cho đi mà người khác dùng được. Trong một lần đến thăm Viện Dưỡng Lão, tôi thấy một cụ ông 70 tuổi, đút thức ăn cho một cụ bà 80 tuổi. Hỏi ra thì họ không có liên hệ gì với nhau cả.

Chỉ là một người có khả năng cho và một người vui vẻ nhận.

Tính hài hước, làm cho người khác cười cùng với mình là những liều thuốc bổ. Nữ thi sĩ Maya Angelou vào sinh nhật thứ 77, trong trương trình phỏng vấn của Oprah, hỏi về sự thay đổi vóc dáng của tuổi già, bà nói: 'Vô số chuyện xẩy tới từng ngày... Cứ nhìn vào bộ ngực của tôi xem. Có vẻ như hai chị em nó đang tranh đua xem đứa nào chạy xuống eo trước'. Khán giả nghe bà, cười chẩy cả nước mắt.


Sinh, bệnh, lão, tử. Con đường đó ai cũng phải đi qua. Nhưng đi như thế nào thì hầu như 80% chính mình là người lựa chọn.

Những vấn đề chính ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn qua tinh thần là:

- Sự cảm thông giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà với các cháu.
- Tinh thần chấp nhận và lạc quan.
- Nghĩ đến những điều vui nhỏ mỗi ngày.
- Tham gia những sinh hoạt nào phù hợp với sức khỏe.
- Làm việc thiện nguyện.
- Nhóm bạn: Ðọc sách, kể chuyện, đánh cờ, chơi bài (không phải ăn thua).
- Tham gia các lớp thể dục: Như Yoga, lớp dậy Hồng Gia, ngồi thiền, khí công v.v... Và ngay cả chỉ đi bộ với nhau 30 phút mỗi ngày cũng giúp cho tinh thần sảng khoái, sức khỏe tốt hơn là ở nhà nằm quay mặt vào tường.

Hãy thỉnh thoảng đọc lên thành tiếng câu ngạn ngữ này:

'Một nét mặt vui vẻ mang hạnh phúc đến cho trái tim và một tin vui mang sức khỏe cho xương cốt.'

theo Trần Mộng Tú

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

Phở qua tới Nhật được tô điểm, kiểu cách hơn


Thứ Ba, 18 tháng 8, 2009

10 lý do nên hạn chế ăn đồ ngọt

Món gì ăn quá nhiều cũng không tốt, điều này đặc biệt đúng với những món ăn có đường như kem, bánh ngọt....

10 lý do sau đây chính là điều khiến bạn nên hạn chế ăn nhiều đường:

Sâu răng:
Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đều đã được cha mẹ cảnh báo rằng ăn nhiều đồ ngọt, nhất là kẹo có thể khiến răng bị sâu. Bởi vậy, sau mỗi bữa ăn, hoặc trước khi đi ngủ, chúng ta đều được dạy rằng cần phải đánh răng để loại bỏ lượng đường từ đồ ăn còn bám lại trên răng, bởi vì nó là yếu tố làm sâu răng nhanh nhất.

Bệnh về nướu (lợi):
Một nguy hại khác từ việc ăn nhiều đồ ngọt là nó có thể làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh về nướu, chẳng hạn như viêm lợi. Bạn đừng xem thường điều này, bởi tuỳ vào phản ứng khác nhau của cơ thể, viêm lợi có thể dẫn tới viêm nhiễm động mạch vành – một chứng bệnh nguy hiểm.

Đường huyết không ổn định:
Ăn nhiều đường có thể khiến cho đường huyết trong cơ thể bị rối loạn, khiến ta mệt mỏi và gặp nhiều vấn đề rắc rối khác. Một hệ quả khác của việc này là chứng đau đầu và căng thẳng. Nếu lượng đường đưa vào cơ thể không sớm được kiểm soát nó sẽ dẫn đến mất cân bằng lượng glucose trong cơ thể, thậm chí làm rối loạn quá trình hấp thụ glucose.

Béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch:
Đường trong cơ thể quá nhiều sẽ được chuyển đổi và tích tụ lại dưới dạng các mô mỡ. Nó sẽ khiến cho người bệnh bị mắc chứng béo phì, làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường và thậm chí là bệnh tim mạch.

Đảo lộn hoạt động của hệ miễn dịch:
Vi khuẩn và men có trong máu của con người tồn tại và phát triển chủ yếu nhờ vào lượng đường trong máu. Khi cơ thể hấp thụ quá nhiều đường, sẽ dẫn tới mất cân bằng trong sự phát triển và sinh sôi của vi khuẩn và men. Điều này tất yếu ảnh hưởng không nhỏ tới hệ miễn dịch và làm bạn yếu đi.

Thiếu crom:
Hầu hết đường mà chúng ta ăn đều là đường tinh luyện và không chứa crom - một thành phần hoá học quan trọng giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Do đó, nó khiến cho đường trong máu không còn được kiểm soát.

Thiếu các chất dinh dưỡng khác:
Việc ăn đường làm mất cảm giác đói, đó chính là lý do chúng ta được khuyên không nên ăn đồ ngọt trước bữa ăn. Khi ăn quá nhiều đường, chúng ta sẽ không cảm thấy cần ăn thức ăn và rau quả - những thực phẩm vốn chứa nhiều loại dinh dưỡng rất cần cho cơ thể, đặc biệt là vitamin, sắt, canxi, manhê… Do đó, cơ thể tất yếu sẽ bị thiếu các loại dưỡng chất này.

Tăng nguy cơ mắc stress:
Khi ăn quá nhiều đồ ngọt, đường huyết trong cơ thể vọt lên cao, nhưng chỉ là tạm thời. Năng lượng trong cơ thể sẽ nhanh chóng tụt xuống ngay sau đó. Khi điều này xảy ra, đó cũng là lúc cơ thể giải phóng ra các loại hoóc môn tự nhiên giúp điều chỉnh lượng đường trong máu quay trở về trạng thái ban đầu. Đây là những hoóc môn gây cáu kỉnh và stress.

Lão hóa cơ thể:
Ăn quá nhiều đồ ngọt khiến cơ thể xảy ra phản ứng glycation - phân tử đường gắn chặt vào các protein trong cơ thể, khiến cho các mô trong cơ thể bị mất đi tính đàn hồi vốn có. Kết quả là tốc độ lão hoá diễn ra nhanh chóng.

Ảnh hưởng tới quá trình nhận thức:
Quá nhiều đường cũng có thể gây ảnh hưởng tới khả năng học và nhận thức.

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2009

Gội đầu bằng nước lạnh hay nước nóng tốt hơn?

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học New York (Mỹ) cho thấy, những ai bị nhiều gàu bám da đầu có thể giảm bệnh nếu dùng nước lạnh gội đầu. Theo đó, nước lạnh làm khép lỗ chân lông trên da đầu, ngăn ngừa hiện tượng tróc gàu đầu.

Trong khi nếu dùng nước nóng gội đầu sẽ làm tiêu hao lớp dầu tự nhiên trên da đầu, làm bong vảy tế bào da đầu chết. Các nhà khoa học cũng khuyên mọi người nên gội đầu bằng nước ấm hoặc nước lạnh, không nên gội bằng nước nóng và tránh những sản phẩm dầu gội dựa trên cồn vì sẽ làm cho da đầu khô hơn.

theo MSN

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2009

50 điều thú vị không phải ai cũng biết

1. Xương người vốn không phải màu trắng mà có màu đục như màu nâu nhạt. Và thú vị hơn, xương hông của người còn cứng hơn cả bê tông.
2. Khi bạn sinh ra, bạn có 300 chiếc xương, nhưng khi trưởng thành, bạn chỉ còn 206 chiếc xương.
3. Một người phụ nữ trung bình tiêu thụ khoảng 20kg son môi trong đời.
4. Bạn không thể tự tử bằng cách… nhịn thở.
5. Tim người đập hơn 100.000 lần mỗi ngày.
6. Người thuận tay phải có tuổi thọ trung bình cao hơn người thuận tay trái 9 năm.
7. Xương sườn của chúng ta chuyển động khoảng 5 triệu lần mỗi năm.
8. 1/4 số xương trong cơ thể người nằm ở chân.
9. Trung bình một người cười 10 lần/ngày.
10. Giống như vân tay, “hoa văn” trên lưỡi của mỗi người cũng khác nhau.
11. Việc truyền máu lần đầu tiên diễn ra vào năm 1667 khi Jean-Baptiste tiến hành truyền máu từ một con cừu sang một thanh niên.
12. Nước chiếm 2/3 khối lượng cơ thể người. Trong máu có tới 92%; não bộ có 75% các cơ bắp cũng có 75% là nước.
13. Trong cuộc đời mình, bạn uống khoảng 75.000 lít nước.
14. Móng tay dài nhanh gấp 4 lần so với móng chân.
15. Nếu như tất cả bộ mã gen của chúng ta được kéo duỗi dài ra thì nó có thể cuốn 6 vòng quanh mặt trăng.
16. Hầu hết bụi trong nhà là tế bào da chết từ cơ thể của chúng ta.
17. Cơ giúp mắt chớp là cơ chuyển động nhanh nhất của con người. Nó có thể thực hiện nháy mắt 5 lần trong vòng một giây. Một ngày con người nháy mắt khoảng 15.000 lần. Tuy nhiên có điều lạ là phụ nữ phụ nữ chớp mắt nhiều gần gấp 2 lần so với đàn ông.
18. Bạn không thể hắt hơi mà vẫn mở mắt.
19. Mỗi năm, số người chết do ong đốt còn nhiều hơn cả số người chết do rắn cắn
20. Nhiều người dị ứng với sữa bò hơn bất kỳ loại thức ăn nào khác.
21. Để nói một từ, bạn sử dụng tới 70 lớp cơ.
22. Cái được gọi là "French kiss" (nụ hôn kiểu Pháp) trong tiếng Anh thì cũng được gọi là "English kiss" trong tiếng Pháp.
23. "Almost" là từ dài nhất trong tiếng Anh với các chữ cái được sắp xếp đúng theo trật tự bảng chữ cái.
24. "Rhythm" là từ tiếng Anh dài nhất không có nguyên âm.
25. Adolf Hitler là một người ăn kiêng và chỉ có duy nhất một… tinh hoàn.
26. Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất I tự coi mình là người mẫu mực trong chuyện vệ sinh thân thể. Bà từng tuyên bố rằng cho dù bẩn hay sạch thì cứ mỗi 3 tháng bà mới tắm 1 lần.
27. Dân số trái đất vào năm 2080 được dự đoán lớn gấp 3 lần con số 5 tỉ hiện nay (tức 15 tỉ người).
28. Mật ong là thức ăn duy nhất không bị hỏng. Bằng chứng là các nhà khảo cổ khi nếm thử những hũ mật ong được tìm thấy trong lăng mộ của các pharaoh Ai Cập đều đi đến kết luận rằng chúng không hề bị hỏng và hoàn toàn có thể ăn được.
29. Coca-Cola nguyên chất có màu xanh trước khi người ta pha chế màu.
30. Mẩu kẹo cao su cổ nhất có tuổi thọ 9.000 năm!
31. Trung bình một cây bút chì có thể vẽ một đường thẳng dài 56km (tương đương với việc viết được khoảng 50.000 từ).
32. Mỗi một lục địa đều có một thành phố mang tên Rome.
33. Những tháng nào bắt đầu vào chủ nhật thì luôn có “thứ 6 ngày 13”.
34. Trái đất là hành tinh duy nhất không được đặt theo tên một vị thần.
35. Tại bang Nebraska, Mỹ, bạn sẽ bị coi là phạm pháp nếu có các hành động như ợ hơi hoặc hắt hơi trong nhà thờ.
36. Ở Iceland, sở hữu một chú chó cảnh là phạm pháp.
37. Mắt lừa được tạo hóa “sắp xếp” ở vị trí thuận lợi đến nỗi con lừa có thể quan sát cả 4 chân của nó cùng một lúc.
38. Một số loài bọ tự ăn thịt mình khi không tìm thấy thức ăn.
39. Lạc đà có 3 mí mắt giúp chúng bảo vệ mắt khỏi những cơn bão cát.
40. Cá heo khi ngủ chỉ nhắm 1 mắt!
41. Chuyến bay dài nhất của một con gà là 13 giây.
42. Con sên có tận… 4 cái mũi.
43. Loài cú là loài chim duy nhất có thể nhìn thấy màu xanh.
44. Hươu cao cổ có thể liếm sạch đôi tai của nó bằng cái lưỡi dài hơn 7 mét!
45. Trung bình tim của con nhím đập 300 lần/phút.
46. Mắt của đà điểu lớn hơn cả bộ não của nó.
47. Loài dơi mũi heo (tên khoa học là Craseonycteris) có kích thước chỉ bằng một chú ong nghệ, là loài động vật có vú nhỏ nhất thế giới.
48. Loài chuột có thể giao phối hơn 20 lần/ngày.
49. Con gián có thể sống trong suốt vài tuần với cái đầu lìa khỏi thân.
50. Voi là loài động vật có vú duy nhất không thể nhảy.

Theo Diễn Đàn Mộng Mơ

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2009

Ảnh đẹp cuối tuần : Soi Bóng

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2009

Tuổi già và phương pháp Thực Dưỡng

Chúng ta thường nghe người ta nói “mình đã già rồi” kèm theo tiếng thở dài ảo não. Hồi nhỏ tôi cho điều đó là kỳ cục, lớn lên tôi lại thấy người đời quả tội nghiệp đáng thương.

Đến tuổi 40, tôi có cảm giác cơ thể suy yếu, lúc đó mới thấy lo âu và cũng bật ra ý nghĩ mình đã già rồi. Ở Nhật, người ta cho rằng vào khoảng 40 đến 46 tuổi khi cảm thấy trong người sinh ra nhức mỏi, cứng nhắc là đã bắt đầu bước vào tuổi già.

Thật ra, đây không phải là điều đương nhiên về mặt sinh học, mà do hoàn cảnh trong thuở thiếu thời. Hồi đó toi sống rất chật vật, ăn uống thiếu thốn mà lại học ngày học đêm. Về sau tôi làm thuỷ thủ theo tàu đi lại trên Ấn Độ Dương. Công việc trên tàu rất nặng nhọc, các bạn đồng nghiệp người Ả Rập và người da đen vốn sinh trưởng ở miền sa mạc nóng cháy hoặc trong rừng già được thiên nhiên tôi luyện cứng cáp, nên chịu đựng dễ dàng. Hơn nữa, họ chỉ làm trong thời gian ngắn vì thay đổi người luôn. Còn tôi là người ốm yếu từ bé, lại phải đi trên biển liên tục hằng năm nhiều chuyến, mỗi chuyến gần hai tháng trời. Sóng cả đại dương, lao động cật lực và ăn uống thất thường đã làm tôi suy nhược “già khọm” đi.

Hết hạn công việc trở lại cuộc sống bình thường, tôi mới có thì giờ chỉnh đốn ăn uống, và nhờ cơm gạo lứt thơm ngon, tôi khôi phục sức sống hoàn toàn. Từ đó trở đi, tôi không còn thấy mình mỏi mệt cần phải nghỉ ngơi, hễ còn thức là tôi còn làm việc. Tôi đã thực hiện được ba điều của sức khoẻ là:

1. Không mệt mỏi.
2. Ăn biết ngon.
3. Ngủ ngon giấc.

Tôi ngỡ mình không sống nổi qua tuổi 21, vậy mà đến độ tuổi người ta cho là “bắt đầu già” lại có được sức khoẻ như thế đó là nhờ hai mươi năm mày mò trên con đường Thực Dưỡng. Lòng tôi thật biết ơn vô cùng.

Phải nói mười năm đầu tôi vấp nhiều lầm lỗi, nhất là việc dùng muối, khi quá nhiều, khi quá ít, cho nên thường không đạt kết quả. Rồi suốt phân nửa thời gian của mười năm sau, tôi ở Paris trong cảnh nghèo khổ còn tệ hơn ăn mày, nhưng rốt cuộc tôi cũng đạt được sức khoẻ như đã nói, và đến nay tôi có thể ăn uống bất cứ thứ gì mình thích mà không sợ bệnh hoạn.

Ngày trước tôi không hút thuốc, không uống được rượu, thì nay tôi lại làm được hết. Thức ăn nấu theo kiểu nào toi cũng dùng được, dù món Tây, món Tàu, món Nhật hay Ấn Độ. Tôi rất khoái trái cây, bánh kẹo, sôcôla, và rượu uýt ki. Đương nhiên khi dùng các thứ này, tôi biết quân bình Âm Dương như thế nào để tránh tác dụng độc hại của chúng.

Sở dĩ tôi thuật lại câu chuyện là vì có nhiều người cho rằng phương pháp Thực Dưỡng là một loại chủ nghĩa khắc khổ của thế kỷ hai mươi. Họ tưởng rằng suốt đời phải ăn uống kiêng khem theo thực đơn triệt để giành cho người bệnh, mà không biết phạm vi dinh dưỡng của phương pháp này rất rộng bao gồm đủ mọi thứ thực phẩm có trong xứ được sử dụng một cách khéo léo để giữ cơ thể không bệnh. Khi sức khoẻ đã vững vàng thì thỉnh thoảng ăn một bữa no say cũng chẳng sao. Người khong thể uống rượu hút thuốc, không ăn được thịt hay trái cây là người tàn phế. Uống rượu được mà không uống, ăn thịt mà không ăn là vì thấy không cần thiết cho sự sống. Phương pháp Thực Dưỡng có mục đích giúp chúng ta sống tự do tự tại với sức khoẻ vững bền có thể ăn ở thế nào cũng được tuỳ theo trực giác tự nhiên và trí phán đoán nhạy bén mà không sợ điều gì tai hại. Nói tóm lại, phương pháp Thực Dưỡng không phải là một lối sống tiêu cực trong những ràng buộc gò bó, mà là cách dưỡng sinh tự nhiên, tích cực, đầy sáng tạo, mang tính nghệ thuật, triết lý và giống như tôn giáo.

Chính tôi đã nhờ phương pháp Thực Dưỡng mà có được sức khoẻ như hiện nay. Tôi không còn đau yếu; dù tiết trời mưa dầm lạnh lẽo, tôi cũng không cần áo ấm, và cửa sổ phòng ngủ quanh năm mở rộng. Chỉ còn một điều làm tôi băn khoăn là mình quá ham làm việc vì hàng ngày tôi vẫn dùng nhiều muối (thịnh Dương) mà chưa tài nào giảm được.

Với hiểu biết và kinh nghiệm một đời, tôi nghĩ rằng mình có thể đưa ra một số ý kiến về cách dưỡng sinh tuổi già.

Tính theo tự nhiên thì tuổi già bắt đầu từ tuổi bảy mươi. Lúc đó chúng ta nên:

1. Giảm bớt lượng muối dùng hàng ngày, ít hơn lúc trẻ.
2. Ăn uống càng đơn giản càng tốt.
3. Hàng ngày chỉ dùng dầu thực vật (dầu mè tốt nhất).

Ngoài ra, nếu thuở trẻ đã ăn uống theo phương pháp Thực Dưỡng cho đến lúc này thì không càn thực đơn đặc biệt. Họ có thể ăn uống tuỳ ý, vì nhờ theo phương pháp Thực Dưỡng một thời gian dài, họ đã được quân bình không những về thể chất, mà cả tinh thần lẫn về mặt tổ chức cuộc sống. Đối với họ chẳng còn gì vấn vương ràng buộc, mà hoàn toàn thanh thản sống trọn kiếp người.

Tôi đươc biết có những người theo phương pháp Thực Dưỡng dù đã 60-70 hoặc 80 tuổi vẫn tràn đầy sức sống. Trong số đó, có người chữa lành bệnh kinh niên từng làm họ khốn khổ suốt 30 năm đến 40 năm và giờ đây tuy tuổi già, họ vẫn đủ sức đi đây đó hăng hái truyền bá phương pháp này.

Tóm lại, cách dưỡng sinh của tuổi già có thể nói gọn trong một câu: sống càng gần thiên nhiên càng tốt. Vui hưởng giá lạnh của mùa đông, thưởng thức nắng nóng của mùa hè, ngắm hoa đua nở khi xuân về, thưởng nguyệt ngắm trăng lúc thu sang. Tuổi già, đó là lúc kết thúc mọi tính toàn đời thường và nhẹ gót bước vào con đường thênh thang bát ngát của tinh thần dẫn đến cõi vĩnh hằng đại ngã, không còn ngăn ngại bởi cái tôi nhỏ mọn. Tuổi già theo phương pháp Thực Dưỡng là thời kỳ hạnh phúc nhất của đời người vì có thể chia xẻ niềm vui thành quả cho người khác.

Thi sĩ người Đức Lautenbach có sáng tác bài thơ vịnh một cây sồi già. Cây sồi đã sống mấy trăm năm, trải qua biết bao đổi thay của thời tiết, lúc nào gió dập, mưa vùi, nắng nồng, tuyết lấp vẫn không gãy đổ. Đó là một cây cổ thụ cao to sừng sững giữa trời, toả ra những cành chắc khoẻ rậm lá lóng lánh dưới ánh mặt trời hoặc rì rào trong làn gió thoảng. Cây cho bóng mát và chở che cho khách lữ hành dừng chân ngơi nghỉ. Đó là một biểu tượng của Tạo Hoá, một công trình xinh tươi và thành quả của một đời đượcc thiên nhiên tôi luyện thử thách. Vẻ đẹp thâm trầm của cây gợi ra bí quyết dưỡng sinh.

Có được tuổi già như thế là một đặc ân chỉ dành cho những người biết sống hoà mình với thiên nhiên mà nói cụ thể hơn là ăn ở theo phương pháp Thực Dưỡng.

Theo GEORGE OHSAWA (Sakurazawa Nyoichi)
LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG VUI
NGÔ THÀNH NHÂN và TÔN THẤT HANH (dịch)
NXB TỔNG HỢP KHÁNH HOÀ