Thứ Hai, 11 tháng 6, 2007

VAI TRÒ CỦA VIỆC "KẾT ẤN" TRONG KHÍ CÔNG & TĨNH TỌA TỰ CHỮA BỆNH


Lương y Võ Hà

Ấn thường được thể hiện trong các tranh, tượng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Đặc biệt khi nói đến khí công và tĩnh tọa, nhiều người thường liên tưởng ngay đến các vị đạo sư hoặc những nhà khí công ngồi thiền, hai tay bắt ấn! Tại sao phải bắt ấn? Phải chăng ấn chỉ liên quan đến những điều huyền bí, mê tín, không giải thích được? Bài viết sau đây sẽ đề cập đến ý nghĩa và tác động khí hóa của ấn trong việc luyện tập khí công và tĩnh tọa tự chữa bệnh.


MỖI NGÓN TAY LÀ MỘT BIỂU TƯỢNG THU NHỎ CỦA CƠ THỂ




Án ma liệu pháp có lẽ là một hình thức trị bệnh tồn tại sớm nhất trong xã hội loài người. Liệu pháp này xuất phát từ những kinh nghiệm ngẫu nhiên day, ấn, bấm hoặc xoa bóp vào những vùng hoặc những điểm nhất định ở ngoài da để đạt được hiệu quả giảm đau trên những bộ phận ở xa hoặc sâu hơn trong cơ thể. Dần dần những nghiên cứu về hiệu ứng toàn tức sinh vậtphản xạ thần kinh đã làm sáng tỏ và phát triển thêm kinh nghiệm của người xưa. Những kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với quan điểm truyền thống về Thiên nhân tương ứng. Con người và vũ trụ là đồng thể. Con người là một vũ trụ thu nhỏ. Xa hơn, mỗi một bộ phận riêng biệt của cơ thể cũng lại là một tiểu vũ trụ có những điểm tương đồng, tương ứng với cái toàn thể của cơ thể *. Nổi bật nhất trong số những vùng phản xạ, những vũ trụ thu nhỏ là hai lòng bàn tay và cả những ngón tay, với các đầu ngón tay là cơ quan xúc giác chủ yếu, nơi tập hợp những đầu mút thần kinh vô cùng tinh tế và cũng là nơi khởi đầu (Tĩnh huyệt) của những đường kinh Dương.



Có thể nói mỗi ngón tay đều có đầy đủ đặc tính của cả cơ thể. Đầu ngón tay ứng với phần đỉnh đầu. Phần dưới của các ngón, nơi tiếp giáp giữa ngón tay và bàn tay ứng với phần hạ bàn; Ba đốt ngón tay tính từ đầu ngón trở xuống lần lượt tương ứng với 3 phần thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu của cơ thể. Do đó về mặt khí hóa, kết ấn hay bắt ấn là tác động vào đầu ngón tay, hoặc các gốc ngón tay cũng đồng nghĩa với kích hoạt những huyệt ở vùng đỉnh đầu hoặc vùng xương cùng, hai khu vực thu, xả và giao hòa giữa nội khí của cơ thể với thiên khí hoặc địa khí của vũ trụ bên ngoài.


MỘT SỐ HIỆU ỨNG KHÍ HÓA CỦA ẤN


Kích hoạt thăng giáng theo quy luật tự nhiên. Theo học thuyết kinh lạc của y học cổ truyền, các đường kinh Dương đi từ trên giáng xuống và các đường kinh Âm đi từ dưới thăng lên. Do đó khi cơ thể ở trong tình trạng thư giãn thích hợp, nếu tác động vào các đầu đường kinh thì kinh khí của các đường kinh sẽ lên hoặc xuống theo đúng quy luật của nó. Như vậy, khi ta ấn vào các đầu ngón tay là đã tác động trực tiếp vào Tĩnh huyệt của một đường kinh Dương và cả huyệt Bách hội ở đỉnh đầu - nơi tập hợp của các đường kinh Dương - nên có tác động giáng khí. Ngược lại, nếu ta tác động vào gốc các ngón tay sẽ kích hoạt hai huyệt Trường cường và Hội âm ở vùng xương cùng và các đường kinh Âm nên có tác dụng thăng khí. Y học cổ truyền cho rằng "thống tất bất thông, thông tất bất thống". Hơn nữa, nếu các kinh mạch thông suốt thì những tạng phủ tương ứng cũng hoạt động điều hòa và cơ thể khỏe mạnh. Do đó, tác động thăng giáng luân lưu ở các đường kinh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc dưỡng sinh và chữa bệnh.


Thiên Bệnh lý của Nội kinh có ghi "trăm bệnh sinh ra đều do nơi khí”. Đặc biệt là ở thời đại ngày nay, tính cạnh tranh cao và nhịp sống quá nhanh khiến con người thường xuyên phải lo lắng, căng thẳng. Chính những cảm xúc âm tính dai dẳng đã dẫn đến khí uất, khí nghịch - là đầu mối của nhiều thứ bệnh. Trong điều kiện này, nhất là ở giai đoạn đầu khi bệnh còn chưa gây ra những tổn thương thực thể thì chỉ cần điều hòa khí hóa, cân bằng âm dương, làm cho dương giáng, âm thăng, giải tỏa tình trạng khí uất, khí nghịch là đủ để phục hồi sức khỏe. Trong những trường hợp này, thư giãn và bắt ấn có lẽ là phương pháp nhanh, hiệu quả và thuận tự nhiên nhất trong việc tái lập tình trạng khí hóa bình thường.


Khai mở một huyệt vị, khai thông một đường kinh, tăng cường nội khí.


Y học truyền thống và khí công cổ đại đều cho rằng con người và vũ trụ thăng giáng, giao hòa thông qua hô hấp "hô tiếp thiên căn, hấp thu địa khí”. Sự giao hòa này diễn ra chủ yếu ở hai khu vực đỉnh đầu và xương cùng. Khi ta tác động vào đầu ngón tay và gốc ngón tay cũng là gián tiếp kích hoạt sự thu, xả ở những huyệt tương ứng như Bách hội ở đỉnh đầu, Hội âm và Trường cường ở vùng xương cùng. Sự kích hoạt của ấn có tác dụng lợi dụng thiên khí và địa khí làm mạnh dòng chảy của kinh mạch, qua đó có thể khai thông một đường kinh, một huyệt vị hoặc tăng cường nội khí trong cơ thể. Ngoài ra khi Nhâm Đốc đã được thông, động tác bắt ấn mỗi lần tập sẽ rút ngắn thời gian sinh khí và tăng cường chân khí để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.


NHỮNG ĐỐI ỨNG KHÁC NHAU GIỮA NAM VÀ NỮ TRÊN LÒNG BÀN TAY


Do những dị biệt về tính âm dương giữa nam và nữ, nam thuộc dương và nữ thuộc âm, nên vị trí tương ứng giữa hai huyệt Trường cường và Hội âm trên hai bàn tay phải và trái cũng tương phản nhau.


Ở nam, thiên khí từ đỉnh đầu qua nửa bên phải cơ thể xuống chân phải, địa khí theo chân trái đi lên, qua nửa bên trái cơ thể chạy lên đầu. Phần gốc các ngón tay thuộc tay trái ứng với huyệt Trường cường, phần gốc các ngón tay thuộc tay phải ứng với Hội âm. Ở nữ, thiên khí từ đỉnh đầu qua nửa bên trái cơ thể xuống chân trái, địa khí theo chân phải qua nửa bên phải cơ thể chạy lên đầu. Phần gốc các ngón tay thuộc tay phải của người nữ ứng với huyệt Trường cường, phần gốc các ngón tay trái ứng với huyệt Hội âm.


Sự khác biệt trên cần được lưu ý để không tác động nhầm lẫn vào Trường cường. Trường cường là gốc của chân Hỏa, chỉ được kích hoạt khi cần thiết và có giới hạn. Trường cường chỉ nên được khai mở và phát triển đồng bộ với sự phát triển của Nhâm Đốc và hệ kinh mạch chung. Trên thực tế, khi Nhâm Đốc đã được khai thông, chỉ cần tác động vào các đầu ngón tay, thiên khí sẽ tràn xuống theo mạch Nhâm. Khi đến cuối mạch Nhâm, tự khắc sẽ kích hoạt Trường cường đưa chân hỏa lên mạch Đốc, tuần hoàn thành một vòng Tiểu châu thiên mà không nhất thiết phải kích hoạt vào gốc các ngón tay.


Ngoài ra, việc nắm vững quy luật thăng giáng ở mỗi bên, bên phải hoặc bên trái còn có thể vận dụng để phát triển thành vòng Đại châu thiên bằng cách hít vào từ đỉnh đầu theo mạch Nhâm xuống chân phải (nam), và thở ra từ chân trái đi lên theo mạch Đốc đến tận đỉnh đầu. Do đó có cách nói hít một hơi chân khí từ Bách hội thông suốt đến đầu ngón chân cái, hoặc ngược lại từ đầu ngón chân cái lên đến tận đỉnh đầu.


MỘT VÀI ẤN TIÊU BIỂU


Đầu ngón cái chạm nhẹ đầu ngón trỏ ở cả hai bàn tay. Ngón trỏ là ngón ở gần ngón cái nhất. Do đó chỉ cần cong nhẹ hai ngón để hai đầu ngón chạm nhau là đủ để kết thành ấn, dễ tạo tình trạng buông lỏng cơ hai bàn tay hơn so với động tác đưa đầu ngón tay cái xa hơn để chạm với những đầu ngón khác như ngón giữa và áp út. Nói chung giống như các ấn tác động vào đầu ngón tay khác, ấn này có thể bổ sung kinh khí cho những đường kinh dương vì Bách hội là huyệt hội của những đường kinh Dương và mạch Đốc. Ngoài ra kèm theo động tác đầu lưỡi chạm nướu răng trên để thông Nhâm Đốc, thiên khí từ Bách hội cũng sẽ tràn xuống mạch Nhâm là bể chứa của các kinh Âm. Do đó ấn có tác dụng vào cả hai mạch Nhâm Đốc để tăng cường nội khí. (Hình 1)


Đầu ngón cái tay phải chạm đầu ngón áp út. Đầu ngón cái tay trái chạm đầu ngón giữa. Bên cạnh hiệu ứng chung thu Thiên khí và giáng khí, ấn này kích hoạt trực tiếp vào huyệt Quan xung ở gốc móng ngón tay áp út, Tĩnh huyệt của kinh Thiếu dương Đởm và Tam tiêu và huyệt Trung xung ở đầu móng ngón tay giữa, Tĩnh huyệt của kinh Quyết âm can & Tâm bào lạc. Do đó ấn có tác dụng rất tốt trong việc sơ tiết Can khí, thư giải khí uất trong những chứng bệnh do căng thẳng tâm lý lâu ngày làm rối loạn thần kinh giao cảm, dẫn đến nhức đầu, mất ngủ, đau cơ, hay cáu gắt, suy nhược thần kinh, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn tiêu hóa...(Hình 2).


Hai bàn tay đan chéo nhau sát tận gốc các ngón tay đặt trước bụng dưới, lòng bàn tay để ngửa, hai đầu ngón tay cái chạm nhau. Các ngón tay chạm nhau ở sát phần gốc và lòng bàn tay để ngửa đã tác động vào các kinh Âm và có tác dụng thăng khí. Đây là một trong những ấn thường được sử dụng trong khi tĩnh tọa. Ấn có công năng thu âm khí và hóa khí. Huyệt Hội âm sẽ được kích hoạt, mạch Nhâm sẽ đi lên từ Hội âm, hướng năng lực tính dục thăng hoa lên phía trên để tái bổ sung cho cơ thể (Hình 3).


Đầu ngón cái tay phải chạm đầu ngón áp út tay phải. Đầu ngón cái tay trái chạm gốc ngón áp út tay trái (nam). Ấn này phối hợp giữa Thiên khí từ Bách hội giáng xuống theo mạch Nhâm và chơn Hỏa thăng lên từ Trường cường trên mạch Đốc, một lên một xuống nối thành vòng Tiểu châu thiên. Vì là ấn kích hoạt chơn Hỏa nên chỉ sử dụng giới hạn trong vài phút hoặc vài chục vòng Tiểu châu thiên trước khi tĩnh tọa hay chuyển sang các ấn bình thường ở đầu các ngón tay (Hình 4).


Đầu ngón tay cái chạm gốc ngón tay áp út, bao các ngón còn lại chung quanh ngón cái và nắm chặt thành quyền. Hai bàn tay giống nhau. Ở ấn này, đầu ngón cái chạm gốc ngón áp út ở cả hai tay đã kích hoạt Hội âm và Trường cường, động tác nắm các ngón tay thành quyền quanh ngón cái có tác dụng tập trung nội khí vào hai trục trung tâm, tức hai mạch Nhâm Đốc nên là một ấn tăng cường chân khí khá mạnh. Ấn có công năng làm ấm người, tăng sự can đảm, tăng cường chính khí để chống lại tà khí nên thường được gọi là Kim cang quyền ấn. Có lẽ đây là lý do khiến dân gian có tập tục nắm chặt ngón tay cái khi cảm thấy sợ sệt, mất bình tĩnh hoặc ban đêm phải đi qua những nơi tối tăm, lạnh lẽo (Hình 5).


Áp hai bàn tay vào nhau, đan chéo hai ngón áp út và ngón út của hai bàn tay, hai ngón tay giữa thẳng lên, hai đầu ngón giữa áp vào nhau, hai ngón tay trỏ chạm vào lưng lóng giữa của ngón tay giữa cùng bên, hai đầu ngón cái cùng áp lên lóng giữa của ngón tay áp út bên phải. Ở ấn này, hai ngón trỏ tác động vào chỗ giao liên của hai lóng đầu và lóng giữa của ngón giữa, và hai đầu ngón cái tác động vào lóng giữa ngón áp út phải nên có tác dụng tập trung chơn khí vào khu vực giao tiếp giữa trung tiêu và thượng tiêu. Trên thực tế, khi bắt ấn này, nội khí toàn thân sẽ hướng về huyệt Cưu vĩ. Cưu vĩ nằm trên mạch Nhâm, phía dưới chỗ gặp nhau của hai bờ sườn, tương ứng với Luân xa 4 của khí công Ấn Độ. Nơi đây có một biệt lạc thông với mạch Đốc. Cưu vĩ là mộ huyệt của Tâm. Trong châm cứu học, Cưu vĩ có tác dụng trấn kinh, định thần, thư thái lồng ngực. Do đó ấn này có tên gọi là ấn định tâm (Hình 6).


Tóm lại có thể nói ấn bao gồm nhiều hình thức, nhiều tư thế khác nhau của những ngón tay, riêng lẻ hoặc phối hợp cả hai bàn tay, nhằm điều chỉnh khí hóa, định tâm an thần hoặc tăng cường chân khí.


Để kết thúc bài này, người viết xin ghi lại một trường hợp đáng suy ngẫm về kinh nghiệm bắt ấn. Bà dì của tôi xuất thân từ gia đình lao động nghèo. Bà không được học hành, cũng không có thói quen tập thể dục hoặc chăm sóc sức khỏe tử tế như chúng ta ngày nay. Khoảng 50 tuổi bà đã xuất hiện triệu chứng áp huyết cao. Đã vậy bà còn thích ăn cơm với thịt hoặc cá kho mặn. Đến khoảng 80 tuổi, bà đã trải qua 3 lần bị tai biến não. May mắn là cả 3 lần đều đã vượt qua và phục hồi tốt sau một thời gian điều trị bằng khí công và Đông dược. Sau lần thứ ba, chúng tôi hướng dẫn và thuyết phục bà thực hành một "chiêu" duy nhất và dễ nhất: bắt ấn.


Vẫn những thói quen cũ, ăn uống không kiêng kỵ, thích ăn mặn, không thích tập dưỡng sinh. Chỉ khác là khi rỗi rảnh hoặc thấy trong người "khó ở", bà lại ngồi tựa ghế hoặc dựa lưng vào tường thư giãn và bắt ấn. Đầu ngón tay cái chạm đầu các ngón tay khác, ngón nào cũng được. Trên thực tế, bà thường chụm cả ba đầu các ngón tay cái, ngón trỏ và ngón giữa lại với nhau. Không biết có phải nhờ "chiêu" bắt ấn này hay không, chỉ biết là bà đã sống khỏe mạnh, đi lại bình thường, tinh thần vẫn minh mẫn đến những ngày cuối đời. Bà thọ 90 tuổi. Ra đi nhẹ nhàng. Đặc biệt là trong khoảng 10 năm sau cùng, kể từ khi bà chịu thực hành bắt ấn, bà không phải nằm viện ngày nào./.