Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2007

Ô nhiễm môi trường: Hiện trạng đáng lo ngại



Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề đáng lo ngại không những đối với các nước phát triển mà còn là sự thách thức đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Nước thải chưa qua xử lý đổ vào sông là tình trạng phổ biến ở các đô thị, nghiêm trọng nhất là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. ở Hà Nội, 62 cơ sở giết mổ gia súc (37 cơ sở giết mổ lợn, còn lại là giết mổ trâu, bò) dù đã có đầu tư nâng cấp nhà xưởng, bể chứa và đường ống nước, nhưng vẫn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đều giết mổ thủ công. Chất thải từ quá trình giết mổ ở các cơ sở tư nhân đều chảy thẳng ra cống thoát nước thành phố, bể phốt là thứ hiếm hoi ở các lò mổ này. Vì thế, dù được nhân viên thú y kiểm dịch, không thể đảm bảo thịt đưa ra thị trường đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực chất các lò mổ này hiện nay chỉ là điểm “thu gom” các lò mổ tự phát, nhỏ lẻ để cơ quan thú y dễ kiểm dịch hơn mà thôi. Bỏ ra hơn 5 tỷ đồng để đầu tư cho mỗi lò mổ hiện đại được “cơ giới hoá” là điều mới nằmvtrong “kế hoạch”. Tình trạng ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng tương tự.


Lò mổ “tự phát” tại nông thôn thì sao? Làng nào cũng có vài hộ gia đình làm nghề. Tất nhiên, nước thải từ giết mổ thường chảy xuống ao, xuống sông như mọi loại nước thải sinh hoạt khác. Ao vẫn là nơi rửa bát, rửa rau, giặt chăn, chiếu ở nhiều vùng nông thôn, thậm chí có nơi còn sử dụng làm nước ăn, uống. Thuốc trừ sâu bị sử dụng bừa bãi, các loại bao bì đựng thuốc trừ sâu vương vãi bên bờ ruộng, cạnh đường làng...



Các loại ô nhiễm thường thấy tại các đô thị Việt Nam là ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm bụi, ô nhiễm các khí sulfure, cacbonic, nitrit, ô nhiễm chì (Pb), chất thải rắn (trong sinh hoạt, bệnh viện). Các nơi bị ô nhiễm nặng nhất là khu dân cư gần nhà máy, KCN... ở một số khu dân cư gần các KCN nồng độ khí sulffure vượt chỉ số tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Tính trung bình lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra ở các thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh) từ 0,6 - 0,8 kg/người/ngày, chất thải rắn trong bệnh viện (cơ sở y tế) được thải ra ước tính từ 50-70 tấn/ngày. Chất thải rắn này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đô thị... Hiện nay, khả năng thu gom chất thải rắn còn rất thấp so với yêu cầu đặt ra. Tại nhiều thị xã, tỷ lệ thu gom chất thải rắn trung bình chỉ đạt 20-40%. Biện pháp thu gom chất thải rắn hiện nay chủ yếu là chôn lấp.


Theo thống kê, Việt Nam có trên 800.000 cơ sở sản xuất công nghiệp với gần 70 KCX-KCN tập trung, trong đó, khoảng 90% cơ sở sản xuất công nghiệp và phần lớn các KCN chưa có trạm xử lý nước thải. Các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nặng nhất là công nghiệp nhiệt điện, công nghiệp sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng, công nghiệp khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, với sự phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống được nâng cao, lượng chất thải rắn tạo ra cũng sẽ tăng tương ứng. Lấy ví dụ, tính từ năm 2000 đến năm 2003, tỉ lệ chất thải rắn ở Thành phố Hà Nội tăng 9%. Nếu tỉ lệ này tăng liên tục, thì lượng chất thải rắn ước tính khoảng 1 kg/ngày/người vào cuối thập kỷ này tương đương với các thành phố lớn của Châu á. Đây sẽ trở thành mối đe doạ nghiêm trọng đối với môi trường.


Hiện nay, Thành phố Hà Nội có khoảng 620.000 tấn rác thải các loại mỗi năm, trong đó khoảng 500.000 tấn được đổ tại bãi rác Nam Sơn, cách Thành phố Hà Nội khoảng 65km. Mặc dù bãi rác này được quản lý tương đối tốt nhưng vấn đề về nước rác vẫn đang là vấn đề bức xúc cần phải giải quyết. Bên cạnh đó, sự tăng đáng kể khối lượng rác hàng năm dẫn đến tình trạng quá tải tại các bãi chôn lấp. Hiện nay, Hà Nội có 05 bãi chôn lấp nhưng chỉ có bãi rác Nam Sơn và bãi Lâm Du đang hoạt động, trong đó bãi rác Lâm Du chủ yếu dùng để chôn lấp rác xây dựng.


Tạp chí - Ấn phẩm thông tin - Số 12 năm 2004 - Hương Ly