Thứ Ba, 4 tháng 12, 2007

Tin quê nhà : Bẩn như… mổ lợn ở Hà Nội và dịch bệnh tiêu chảy cấp đang xảy ra

Chỉ chứng kiến tại các lò giết mổ một lần sẽ làm cho mọi người kinh hoàng đến cả tháng (ảnh chụp tại lò mổ lợn ở 298 Bùi Xương Trạch)



Trong thời gian qua, đã có nhiều dịch bệnh xuất hiện trong đó dịch tiêu chảy cấp xuất hiện và diễn biến đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội. Một nguyên nhân lớn nhất được nhắc tới đó là vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong những ngày qua, phóng viên đã khảo sát tại một số lò giết mổ gia súc trên địa bàn thành phố - những nơi cung cấp thực phẩm chính cho người dân Hà Nội và nhận ra rằng khâu giết mổ gia súc, một khâu quan trọng nhất đang bị… bỏ ngỏ.

Lò giết mổ thủ công như thời nguyên thuỷ

13h trưa, tại một lò giết mổ lợn trong ngõ nhỏ đối diện với chợ Phùng Khoang (xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội), chúng tôi đã “mục sở thị” những cảnh tượng mất vệ sinh ở đây.

Đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là toàn cảnh cơ sở giết mổ xập xệ, mái lợp bằng tôn prô xi măng rất thấp, nền bằng xi măng cũ nát, nham nhở. Khu giết mổ được chia làm hai phần, mỗi phần có một khoảng chưa đến 10m2 được sử dụng làm nơi giết mổ, khu nuôi nhốt lợn và nơi giết mổ chỉ cách nhau bằng những song sắt han rỉ.

Thật là kinh hoàng bẩn khi chúng tôi chứng kiến những người thợ bắt đầu công việc của mình. Những con lợn sau khi chọc tiết được nhúng qua nước sôi và vứt tuỳ tiện xuống sàn nhà xi măng nhớp nháp máu, lông, nước thải. Một xô nước giếng khoan đục ngàu được dội một cách “ơ hờ” trên mình con lợn bê bết máu và phân, tiếp theo con lợn được mổ phanh ra, ruột gan vứt tung tóe trên nền xi măng.

Kế bên tay phải của khu giết là khu sơ chế nội tạng của lợn, tất cả được vứt lên sàn xi măng, lẫn lộn cả phân cả máu, lông, ruồi muỗi bu đầy trên những bộ phận nội tạng được vứt ngổn ngang.

Lò giết mổ số 298 Bùi Xương Trạch cũng khiến chúng tôi rùng mình bởi hàng chục lò nằm san sát nhau, bẩn thỉu, hôi thối, tất cả các lò đều là những căn nhà tạm bợ, cũ kĩ, nước thải từ các lò không qua bất kì hệ thống xử lí nào, chảy qua cống rãnh “lộ thiên” bốc mùi kinh khủng.

Lò mổ Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) được mệnh danh là nơi có nhiều lò mổ nhất Hà Nội và cũng là nơi “kinh hoàng” nhất, mỗi ngày khoảng 1.800 con lợn được giết mổ, cung cấp 50% thịt lợn cho toàn TP Hà Nội, có những ngày cao điểm công suất lên đến gần 3.000 con. Có mặt tại lò mổ Thịnh Liệt lúc 2h sáng, mới đến gần khu giết mổ chúng tôi đã không thể thở được vì đủ thứ mùi, mùi tiết, mùi lông, mùi nước thải gặp nước nóng bốc lên nồng nặc.

Có tận mắt chứng kiến việc chọc và lấy tiết mới thấy hết sự mất vệ sinh từ những xô tiết để chế biến làm tiết canh. Từng dòng lông lợn dính đầy phân, nước thải, chảy theo dòng tiết vào chậu. Toàn bộ khâu giết mổ ở đây diễn ra hết sức thô sơ, hoàn toàn bằng thủ công. Trong ánh điện lờ mờ, những con lợn được phanh thây đặt nằm ngay trên nền đất ướt nhớp nháp, lẫn vào máu, lông, phân trước khi đến tay người tiêu dùng, nó còn được ướp bởi bụi đường suốt dọc từ lò mổ đến chợ nữa...

Ông Lê Văn Bầm, Vụ phó Vụ KHCN, Bộ NN&PTNT trong lần kiểm tra gần đây tại cơ sở này đã ngán ngẩm: “Phải gọi Thịnh Liệt là nơi tập trung giết mổ chứ không phải giết mổ tập trung, quá mất vệ sinh, tôi không thể hình dung được tới thời điểm này rồi mà thực phẩm cho người tiêu dùng vẫn có xuất xứ từ những lò mổ lợn thủ công như... thời nguyên thủy thế này. Tôi đã 3 lần tới đây, mỗi lần đến sau lại thấy lò tồi tệ thêm”.

Kiểm dịch lỏng lẻo

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội, hiện nay Hà Nội có các lò mổ lợn là lò Thịnh Liệt (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai), lò Khương Đình (đường Bùi Xương Trạch), hai lò Phùng Khoang (Từ Liêm), lò giết mổ trâu bò thì tập trung chủ yếu ở phường Mai Động với sáu hộ giết mổ trâu bò. Về công tác kiểm tra, kiểm dịch tại những lò mổ này cũng để sơ hở rất nhiều.

Trao đổi với báo giới, bà Phạm Tuyết Anh, Trạm trưởng Trạm Thú y Hoàng Mai (nơi có lò giết mổ Thịnh Liệt) cho biết: “Chúng tôi không đóng dấu kiểm dịch được vì sau khi đặt lợn dưới sàn là họ bốc mang đi ngay. Chúng tôi sợ đóng dấu vì đã đóng dấu là chúng tôi phải chịu trách nhiệm về những con lợn này”.

Ông Đào Duy Tâm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Hà Nội cũng thừa nhận: “Trước đây thú y quận có đóng dấu nhưng bây giờ không dám làm liều bởi mỗi ngày hàng chục xe các tỉnh đưa lợn về đây không có giấy kiểm dịch gốc. Hơn nữa cán bộ thú y thiếu, yếu, làm việc rất vất vả, tháng chỉ được hơn 800.000 đồng, không có quyền chặn giữ xe chở lợn nên nhiều lúc buông xuôi...”.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Phúc, công việc của cán bộ thú y khi có mặt tại các lò giết mổ là kiểm tra giấy chứng nhận nguồn gốc lợn nhập vào chứ nếu lợn có mắc bệnh thì ngay cả bác sĩ thú y cũng không khẳng định được mà phải qua xét nghiệm.

Điều đó cho thấy, ngoài việc phải đối mặt với sự xuống cấp của các lò giết mổ thì chúng ta phải đối mặt với những loại gia súc không rõ nguồn gốc tại các lò giết mổ này. Ông Đậu Ngọc Hào, Phó cục trưởng Cục Thú y cũng cho biết, trong đợt kiểm tra mới đây tại lò giết mổ Thịnh Liệt cho thấy, chỉ có khoảng 20% gia súc được kiểm dịch trước khi đưa vào giết mổ.

Trong khi đó mức phạt của thú y theo quy định là quá nhẹ, mỗi xe vi phạm không có giấy kiểm dịch bị phạt hành chính 50.000 - 200.000 đồng, đây là mức quá thấp so với lợi nhuận mà các lò mổ thu lại được. Theo quy định, số gia súc không có giấy chứng nhận kiểm dịch không được vào lò mổ. Tuy nhiên, nếu cấm thì sẽ không cung cấp đủ thịt đáp ứng nhu cầu thành phố.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, phải tới năm 2010 thì TP Hà Nội mới xây dựng lại các khu giết mổ. Điều đó có nghĩa là từ nay đến đó người dân Hà Nội vẫn phải chấp nhận sử dụng những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc và chịu ảnh hưởng từ bất kỳ dịch bệnh nào như dịch bệnh tiêu chảy cấp đang xảy ra.

Theo Nhà báo & Công luận