Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2007

Đừng bao giờ để mình trở nên nhàn rỗi, cũng đừng nuối tiếc quá khứ


Vừa trải qua một cơn mổ tim, thế nhưng không ai nghĩ ông Dương Quang Phùng ở 439/F7 Phan Văn Trị, P.5, Gò Vấp đã 70 tuổi. Luôn vui vẻ, lạc quan, yêu đời, ngay cả khi đang nằm chờ mổ, ông vẫn thường xuyên tập thể dục, làm thơ “Muôn sự vật đắm chìm trong cõi mộng/ Gió chiều xuân phơi phới ở trong lòng/ Phòng điều trị tưởng chừng như khách sạn/ Áo trắng ân cần chăm sóc chờ mong”. Ông còn khuyên những người bệnh cùng phòng phải tin tưởng vào bác sĩ, phải đọc sách báo để biết thêm tin tức thời sự để có thêm niềm tin vào việc chữa trị bệnh.

Vốn là một giảng viên Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định, ông Phùng xem việc bảo vệ sức khỏe thể chất và rèn luyện trí tuệ là điều tối quan trọng của tuổi già. Tập dưỡng sinh, rèn luyện yoga, sưu tầm tài liệu, sách báo viết về vấn đề rèn luyện, chăm sóc sức khỏe, về vấn đề giáo dục là việc ông vẫn làm đều đặn hàng ngày. Ông còn học cả vi tính, lên mạng “lướt Net”, vì “tôi không muốn mình trở nên lạc hậu trước những tiến bộ của xã hội, không muốn để con cháu xem mình là người cổ hủ, lạc hậu. Mình mong muốn con cháu phải có mục tiêu sống, phải có công ăn việc làm ổn định, sống có tôn ti trật tự trên dưới, trong ngoài, phải biết cần mẫn, kiên nhẫn thì mới nắm bắt được thành công; thì chính bản thân mình cũng phải cố gắng học tập, phấn đấu, học hỏi không ngừng. Tôi nghiệm ra rằng, trong cuộc sống, nếu thiếu tính kiên nhẫn, bền bỉ, chịu khó và ham học hỏi thì chẳng thể thành công. Nếu có những đức tính ấy thì có thể từ một người làm công cũng sẽ trở thành giám đốc, từ người thợ cũng sẽ trở thành thầy là lộ trình bình thường. Sông có lúc, người có khúc, sống là phải biết hy vọng, phải lạc quan”. Chính từ những quan niệm sống ấy, mà chỉ sau 1 tháng học vi tính, ông Phùng đã tự đánh máy những bài thơ do mình sáng tác, chơi cờ, gửi thư điện tử…Ông bảo đó là cách để ông rèn luyện trí nhớ và theo kịp đà văn minh của thời đại.

Ông Dương Quang Phùng xem việc chơi cờ, học vi tính là để rèn trí nhớ và theo kịp đà văn minh của xã hội

Một trong những điều mà theo ông Phùng, người cao tuổi cần áp dụng để có cuộc sống thoải mái về tinh thần, đó là đừng nuối tiếc dĩ vãng. Ông kể: “Tôi có người bạn trước đây học ở Pháp về. Giờ đã bước vào tuổi cổ lai hy, gặp ai ông ấy cũng nói chuyện bằng tiếng Pháp, kể về một thời huy hoàng tuổi trẻ. Tôi nghĩ, ông ấy không thể sống thoải mái được. Con người không nên tìm cách quay về dĩ vãng. Nếu đó là một quá khứ huy hoàng hơn hiện tại, người ta dễ sa vào việc thất chí, nuối tiếc; nếu quá khứ đau buồn, nghèo khó, nhớ lại cũng chỉ thêm mặc cảm, buồn tủi. Như vậy thì khó có một cuộc sống thoải mái. Trong cuộc sống chỉ nên lấy đức làm trọng và cũng từ đó mà điều khiển cách hành xử của mình”.

Cùng một quan điểm, một cách sống như ông Phùng, bà Hồ Thị Chiêu Ánh cũng chẳng bao giờ để mình được nhàn rỗi, dù con cái đã lớn, có công ăn việc làm ổn định. Tuổi 60 mà trông bà vẫn trẻ trung, nhanh nhẹn. Là thành viên đội tuyển Câu lạc bộ dưỡng sinh quận Gò Vấp, là hội viên Câu lạc bộ thơ phường 5, Gò Vấp, bà Ánh cho rằng, nếu sống thúc thủ trong nhà khi tuổi đã cao sẽ làm cho tinh thần mình trở nên hụt hẫng. Tham gia công tác xã hội, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện thể dục thể thao thì tâm hồn và cơ thể sẽ thoải mái, phấn chấn.

Theo VietNamNet