Thứ Ba, 4 tháng 12, 2007

Tin quê nhà : Thực phẩm ( rau xanh & thịt ) bẩn từ nguồn sản xuất

Hàng ngàn hecta rau tưới bằng nước sông Tô Lịch

Một ngày làm việc của người nông dân thôn Bằng B, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai bắt đầu bằng việc lấy nước từ mương lên tưới cho những luống rau màu đang lên xanh mơn mởn. Những người nông dân ở thôn Bằng B cho biết, nguồn nước tưới chủ yếu cho hàng chục hecta rau màu ở khu vực này đều được bơm thẳng từ sông Tô Lịch vào hệ thống thuỷ lợi nội đồng.

Theo khảo sát của phóng viên VietNamNet, không riêng gì nông dân thôn Bằng B, phường Hoàng Liệt mà ở hầu hết các phường còn lại của quận Hoàng Mai, nguồn nước tưới chủ yếu cho hàng ngàn hecta rau màu đều được lấy từ sông Tô Lịch - Con sông đang có mức độ ô nhiễm nặng nhất nhì Hà Nội.
Anh Hoà, người dân thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì cho biết: "Ruộng rau nhà của gia đình tôi nằm ngay sát đường cống nước thải của Nhà máy Phân lân Văn Điển nhưng tôi có dám lấy nước ở cống lên tưới rau đâu, toàn phải lấy nước bơm từ sông Tô Lịch để tưới đấy nhưng cũng chỉ đỡ hơn chút ít thôi, rau vẫn cằn lắm. Sợ nhất là mội lần mưa to, nước từ cống thoát của nhà máy tràn vào ruộng là y như rằng rau héo úa hết cả". Anh Hoà cho biết thêm, nơi đặt máy bơm lấy nước tưới từ sông Tô Lịch nằm cách miệng cống thoát nước của Nhà máy Phân lân Văn Điển chỉ chừng vài trăm mét.
Không riêng gì huyện Thanh Trì, ở nhiều khu vực trồng rau cung cấp cho người dân Hà Nội, việc sử dụng nguồn nước tưới bị ô nhiễm từ lâu đã là chuyện... thường ngày ở huyện. Tại các xã Minh Khai, Tây Tựu của huyện Từ Liêm, từ hàng chục năm nay, người nông dân ở đây vẫn có thói quen sử dụng nguồn nước từ hệ thống kênh mương nội đồng để tưới cho rau màu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn cũng sử dụng hệ thống kênh mương đó để tiêu thoát nước thải.

Bên cạnh việc sử dụng nguồn nước tưới bị ô nhiễm, người dân ở nhiều vùng trồng rau ở Đông Anh, Sóc Sơn lâu nay vẫn giữ thói quen dùng phân tươi để bón rau.






Thịt gia súc, gia cầm: bẩn từ lò mổ...

Ở khu vực lò mổ tập trung Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai - nơi mỗi ngày cung cấp khoảng 60% lượng thịt lợn cho nhu cầu của người dân Hà Nội, quy trình giết mổ vẫn được tiến hành một cách hoàn toàn thủ công.

Sau khi chọc tiết, lợn được xả thịt và được bán trao tay ngay cho người bán thịt ở các chợ ngay trên nền đất xi măng bẩn thỉu, nhầy nhụa. Về tới các chợ, người bán thịt cũng chỉ lau rửa qua loa cho miếng thịt "đẹp mã" hơn một chút rồi bán lại cho các bà nội trợ. Khi được hỏi, bà Dung - một chủ lò mổ thản nhiên nói: "Từ hàng chục năm nay chúng tôi vẫn giết lợn, xả thịt và bán như vậy, đã thấy có khách hàng nào kêu ca là thịt lợn bẩn đâu"?!

Điều đáng lo ngại là ngay cả trong khi dịch "lợn tai xanh" hoành hành, sau mỗi đêm hoạt động, toàn bộ sàn, nền của lò mổ ở Thịnh Liệt cũng chỉ được các chủ lò phun rửa bằng nước lã rồi hôm sau giết mổ tiếp. Trong khi đó, nước thải từ các điểm giết mổ này sau khi được xử lý qua loa bằng hệ thống bể lắng-lọc cho bớt cặn rồi thải thẳng vào những hồ ao xung quanh. Và những nông dân quanh vùng lại sử dụng chính nguồn nước đó để tưới cho rau xanh.
Theo VietNam.Net