Thứ Năm, 27 tháng 9, 2007

Sao Ông (bà) Không Đi Soi Ruột Già? - bệnh giết người đứng hàng thứ 2



Tác giả tên thật là Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. 1, hiện làm việc tại học khu Ocean View. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, bài nào cũng cho thấy tấm lòng và sự lạc quan, yêu đời. Sau đây là bài viết mới nhất.

*

Vừa nghe xong cô xướng ngôn viên Chu L.. thông báo ngày giờ và địa điểm buổi nói chuyện của Bác sĩ Phi... về chứng ung thư ruột già, bà Đồ vội vàng nhắc chồng:

"Này, mình nhớ ngày mốt đi tham dự buổi hội thảo về chứng bệnh ung thư ruột già do phòng mạch bác sĩ Đặng Phi .. tổ chức đấy nhá, nhớ xin về cho tôi một ít .. tài liệu để tôi tham khảo, và mình nhớ hỏi v.v.."

Vừa nghe bà nhắc tới chuyện đi tham dự .. là ông biết hết những gì bà sẽ nói tiếp, những gì ông đã thuộc lòng rồi nên thở dài lẩm bẩm:

"Biết rồi khổ lắm nói mãi, bói ra ma, quét nhà ra rác"

"Hay nhỉ! Ông bảo ai là ma thế? Nhắc chừng để ông nhớ mà lại bảo tôi nói mãi, nói nhiều! Nỡ lòng nào ông phụ lòng tôi thế ?"

Nghe bà đổi cách xưng hô từ "mình" sang "ông" và có vẻ buồn nên ông vội nói:

"Thì tôi có nói gì về bà đâu, tôi bảo chương trình hội thoại về bệnh ruột già này tôi đã nghe nhiều lần rồi, để tôi nhắc lại cho bà nghe có đúng không nhá:

"Bệnh ung thư ruột già là một bệnh giết người đứng hàng thứ 2 sau bệnh.., bất luận nam hay nữ tới tuổi 50 đều phải đi soi ruột già, nếu phát hiện sớm thì việc điều trị dễ dàng và cơ hội chữa lành đến xx%. Nếu soi lần dầu tiên không có gì thì 5 năm sau mới phải soi lại, 5 năm sau soi lại nếu không có gì thì 10 năm sau mới soi. Nếu trong lúc soi mà phát hiện có những bứu thì bác sĩ sẽ cắt ngay di rồi gửi dến lab để xét nghiệm xem bứu lành hay dữ. Bệnh ung thư ruột già không có triệu chứng nhưng khi phát hiện trong phân có dính máu thì .. thường là trễ rồi v.v.."

"Thôi, tôi biết ông giỏi rồi nhưng lại lười quá không chịu đi khám bệnh".

Biết căn bệnh ung thư ruột già là nguy hiểm nên bà luôn nhắc nhở nhưng ông Đồ thì lười, lúc nào cũng như "ruột để ngoài da", như thấy hết, biết hết nên không cần soi-mói gì cả.

Với các bà thì dù một sợi tóc rụng cũng có nguyên nhân nên phải đi khám bệnh ngay. Các bà không những luôn lo lắng đến sức khỏe của chính mình mà còn lo cho gia đình, cho chồng con, có khi còn "mách thuốc" cho cả bạn bè nữa. Còn các ông thì lười như hủi, coi trời bằng vung, "chưa thấy quan tài thì chưa đổ lệ", một khi thấy quan tài rồi thì các ông nhắm tít mắt lại, người đổ lệ không phải các ông mà chính là các bà!

Ngày nay ở hải ngoại nếu để ý đến các trang cáo phó thì chúng ta sẽ thấy đa số nữ thọ hơn nam, nhất là các ông gốc lính, dính chục năm tù thì thường ra đi ở tuổi 65-70! Điển hình như trong họ hàng tôi, trong số các bậc trưởng thượng thì đa số là "aunts" thiểu số là "uncles".

Chưa có một cuộc tìm hiểu nào về nguyên nhân tại sao các ông vào lứa tuổi ngũ lục tuần lại thờ ơ trong vấn đề tự săn sóc sức khỏe, nhưng qua câu chuyện hằng ngày, chúng ta nhận ra quý ông có vẻ lười, họ có thể ngồi liên tục nhiều giờ bên chén trà ly café để ôn quá khứ nhưng lại hấm hứ cau có khi phải ngồi chờ nơi phòng mạch.

Có vị còn tự hào "ta là phái mạnh" nên mọi chuyện từ nhức đầu đến đau ngực chỉ là chuyện nhỏ rồi sẽ qua đi, nhiều khi còn lạc quan tếu để tự an ủi rằng: "hai mươi năm cầm súng, mười năm .. bị cầm tù mà còn sống đến ngày nay là hạnh phúc lắm rồi, những năm tháng còn lại chỉ là .. Bonus (!)

Trễ rồi! Đừng ngạc nhiên khi thấy "Chúa gọi về" toàn là những cựu quân nhân ổ cái tuổi chưa tới thất thập cổ lai hy. Những người ra đi không nói lý do trên cáo phó nhưng tôi biết không ít các niên trưởng đã được gọi về cõi trên vì ung thư ruột già.

Ông Đồ là một trong những người ở vào hoàn cảnh kể trên, nên từ lâu nghe chuyện đi soi ruột già để truy tìm ung thư thì ông vẫn ù-lỳ, nghe qua rồi bỏ. Một ngày kia ông bạn Phan văn Đ.. cho ông Đồ coi những hình chụp các bứu độc trong ruột già và kể cho ông nghe những gì đã đi soi và đang điều trị như thế nào, tốn kém ra sao và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, nếu Đ.. không đi soi sớm thì nay không còn ngồi đây để kể chuyện cho ông đồ nghe, nhưng ông "Đồ vẫn gàn":

“Tao sẽ đi chụp, bác sĩ nói rằng chụp hình cũng thấy bứu mà ít tốn ..$.”

“Nhưng nếu thấy thì lại phải đi soi để cắt, mất thời gian và tốn thêm tiền.”

Nghe bạn Đ.. khuyên có lý nhưng ông Đồ vẫn đi chụp hình ruột già và may mắn bác sĩ coi phim xong phán một lời: "không có gì, 2 năm sau chụp lại", yên trí rồi.

Hai năm qua đi ông Đồ vẫn phây phây, bỏ ngoài tai những lời khuyên đi soi ruột mặc dù lúc này trong tay đã có bùa hộ mạng Medicaire.

Bất ngờ ông nhận được điện thoại của chị Th.., giọng chị mệt mỏi:

"Anh cho biết muốn đi thăm Lộ Đức thì đi bằng cách nào?"

"Đi làm cái gì? Th.. vốn là dân zu-da sao lại cho chị đi Lộ Đức?"

"Chính anh Th.. đòi đi chứ không phải tôi, trễ rồi anh ơi, bệnh ung thư ruột già của anh Th.. đã lan qua các bộ phận khác rồi, đã chạy đủ x lần "kimô" nhưng vẫn không ổn định, nay bệnh viện cho về nhà để nghỉ ngơi, ông đòi đi Lộ Đức".

Mới mấy tháng trước đây, Th .. từ New York về CA chơi còn mạnh như voi, hạnh phúc yêu đời, tại sao lẹ quá vậy? Thương bạn, ông Đồ giật mình toát mồ hôi vội hướng dẫn chị Th.. đường đi đến Lộ Đức. Lộ Đức thuộc miền Nam nước Pháp, nơi Đức Mẹ Fatima hiện ra, hằng năm có nhiều triệu người đến đây cầu xin phép lạ, xung quanh nơi hang đá có nhiều nạng chống và xe lăn do bệnh nhân để lại.

Bằng xe lửa GVT, từ Paris chúng ta có thể đến Lộ Đức cầu nguyện rồi về liền trong ngày. Vào chùa thấy Bụt muốn tu, đến Lộ Đức giữa núi rừng tịch mịch lòng ta thấy thảnh thơi và trở nên hiền lành đạo đức hơn.


Người viết không có ý quảng cáo, vì lòng tin tùy thuộc vào mỗi người, nhưng lúc bình thường thì ta "bình chân như vại" khi hoạn nạn, sóng to gió lớn, gặp hải tặc gian ác thì chúng ta mới cầu cứu Quan Thế Âm Bồ Tát, van xin Đức Mẹ Maria, khấn cả Chúa lẫn Phật. Cầu xin bạn tôi được ban ơn lành khỏi bệnh hay ít nhất anh cũng được toại nguyện trong tâm hồn.


SAO ÔNG (BÀ) KHÔNG ĐI SOI RUỘT GIÀ?

Chứng bệnh ung thư ruột già không có một triệu chứng gì rõ rệt cả, tới tuổi phải soi thì hãy mạnh dạn lên đi. Dù cho không có mêdi-mêdi thì cũng phải ráng chi một khoản tiền mặt đáng kể. Nhưng nếu để trễ thì sự tốn kém không biết bao nhiêu mà lường ......

Xin đừng cho đó là "bonus" mà đánh bạc bằng mạng sống mình....

Mời xem trọn bài tại link http://giotphudu.blogspot.com/2007/09/sao-ng-b-khng-i-soi-rut-gi-bnh-git-ngi.html