Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2007

NHÂN SÂM KHÔNG BIẾT DÙNG CÓ THỂ HẠI NGƯỜI


Có một thái tử vì muốn chóng lên ngôi nên đã tìm cách giết vua cha theo cách mà không ai phát hiện: Cho dùng thật nhiều nhân sâm.

Cho rằng nhân sâm là thuốc bổ vạn năng, nhiều người đã mua nhân sâm về bồi bổ những khi thấy yếu mệt. Nhiều thày thuốc cũng không cứ bệnh là hàn hay nhiệt, hư hay thực... mà cứ cho nhân sâm. Việc dùng tùy tiện như vậy có thể biến bệnh nhẹ thành nặng, nặng thành nặng hơn. Hiện nay, giá nhân sâm cũng trở nên "bình dân" hơn nên nguy cơ lạm dụng càng lớn.

Nhân sâm đứng đầu trong các vị thuốc bổ; nhất là trong điều trị các chứng hư, mệt mỏi, nội thương. Nhân sâm chứa hơn 15 yếu tố vi lượng, có tác dụng chống mệt mỏi, tăng sức đề kháng, thúc đẩy công năng của tuyến sinh dục nam và nữ, tăng khả năng ghi nhớ và năng lực phân tích... Tuy nhiên, nhân sâm cũng là thuốc, nên không phải muốn dùng thế nào cũng được, và không phải ai cũng dùng được bởi thể trạng, bệnh tình khác nhau.

Một số người dùng nhân sâm và chế phẩm của nó với liều quá cao, hoặc quá dài ngày, dẫn đến ngộ độc với biểu hiện tăng huyết áp, chảy máu mũi, thần kinh hưng phấn quá độ (gây ra phiền táo, không yên, mất ngủ, dễ bị kích thích, đau đầu, chóng mặt..), nổi mề đay, mẩn ngứa, thậm chí co giật... Y học gọi những triệu chứng này là “hội chứng ngộ độc nhân sâm”.

Là thuốc đại bổ nguyên khí, nhân sâm phù hợp với những người khí suy. Những người nguyên khí không bị suy tổn nếu dùng nhân sâm thì khí dư tất sinh hỏa.

Những người tỳ vị hư hàn, chức năng tiêu hóa suy giảm hoặc rối loạn nếu chưa khắc phục tình trạng này đã bồi bổ bằng nhân sâm thì bệnh sẽ càng nặng.

Không nên dùng nhân sâm cùng với củ cải, cà phê, chè và những chất kích thích thần kinh khác vì làm giảm tác dụng của thuốc
.


(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)


Đúng, nhân sâm có thể dùng làm thuốc cứu người mà không biết dùng cũng có thể hại người nếu không biết dùng đúng theo nguyên lý quân bình âm dương. Nhân sâm là vị thuốc bổ khí, cho nên chỉ trường hợp nào cần bổ khí thì mới nên dùng mà thôi.

Lấy một ví dụ cho dễ hiểu về quân bình âm dương, đó là đun một nồi nước sôi để dùng. Âm là nồi chứa nước, dương là lửa. Có nhiều trường hợp có thể xảy ra :
- Nồi nước đã cạn là trường hợp âm hư, nếu tiếp tục cho lửa thêm nhiều thì nước mau cạn, làm cháy nồi . Trường hợp này không thể dùng sâm để bổ.
- Nồi nước còn đầy nhưng thiếu lửa, nước lâu sôi . Trường hợp này cần phải thêm lửa để nấu nước cho sôi, tức là có thể dùng sâm để bổ .

- Còn những trường hợp khác như nước lửa đang quân bình mà lại muốn cho lửa thêm. Hoặc nước ít, lửa cũng thiếu, thì phải làm thế nào ? Nếu không nắm vững nguyên lý quân bình thì dễ gây tai họa.

Cho nên người xưa đã nhắc một câu để nhớ : "nhiệt gặp nhiệt tắc cuồng, hàn gặp hàn tắc tử." Nghĩa là người đang nhiệt là uống thuốc nhiệt như nhân sâm thì sẽ sinh ra cuồng trí; người đang bị triêu chứng hàn mà uống thuốc hàn thì dễ đi đến tử vong.

Người thận dương quá vượng,thận âm suy nhược,đứng lên hay bị hoa mắt,dùng nhân sâm có được không ạ ?

Người thận dương vượng và thận âm suy nhược thì không thể dùng nhân sâm mà phải dùng lục vị.

Góp ý của anh Lê Công Luận