Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2007

Dinh Dưỡng Cho Người Bệnh Gan


Khi bị bệnh gan, chúng ta không thể không lưu ý tới vấn đề dinh dưỡng. Gan đóng một vai trò quan trọng trong sự hoạt động của cơ thể. Hầu hết các chất bổ quan trọng đều đưa qua gan để dự trữ, biến thành hoá chất cần thiết cho cơ thể hay bài tiết. Người bệnh thường có quan niệm sai lầm về dinh dưỡng. Vì lo sợ sẽ làm hại cho gan, bệnh nhân thường không ăn uống đúng đưa đến trường hợp thiếu dinh dưỡng, hoặc ăn quá nhiều những thức ăn không có lợi cho gan chẳng hạn như ăn quá nhiều muối có thể đưa đến tình trạng lú lẫn hoặc cổ chướng. Dinh dưỡng khác nhau tuỳ theo loại bệnh gan, tình trạng bệnh của gan chẳng hạn khi lúc bị gan cấp tính, lúc mãn tính, hoặc lúc chai gan, hay ung thư.

Tại sao gan quan trọng cho cơ thể?

Gan là một cơ quan lớn nhất trong cơ thể và gan có rất nhiều nhiệm vụ rất cần thiết để nuôi nấng cơ thể. Những vai trò quan trọng của gan bao gồm:


1. Biến hóa thực phẩm hấp thụ thành năng lượng và những chất sinh hoá cần thiết cho cơ thể.


2.Biến lọc các chất độc và thuốc.


3. Sản xuất những chất sinh hoá quan trọng cho cơ thể.

Vai trò của gan trong dinh dưỡng:

Thực phẩm ăn được tiêu hoá trong bao tử và ruột. Khoảng 85% tới 90% máu rời bao tử và ruột đem những chất bổ quan trọng tới gan để được biến hoá thành những chất sinh hóa quan trọng để cơ thể dùng. Gan giúp dự trữ hoặc tiêu hoá những chất bổ hấp thụ để cung cấp cho cơ thể dùng. Ðại khái khi bị bệnh gan, vai trò của gan vẫn được tiếp tục nhưng có thể không làm việc hữu hiệu như lúc khỏe mạnh. Tuy nhiên bệnh nhân nên biết là bị bệnh gan không có nghĩa là thay đổi buổi ăn bình thường. Nên tham khảo ý kiến với bác sĩ để biết mình có nên kiêng cữ không và những thực phẩm nào nên tránh trong bữa ăn.

Những chất dinh dưỡng quan trọng trong cơ thể:

Thực phẩm thường chứa 3 loại dinh dưỡng quan trọng cung cấp năng lượng cho cơ thể: Chất Glucid (Carbohydrate), chất đạm (protein), chất mỡ (fats).

Chất Glucid (Carbohydrate) và mỡ đóng vai trò quan trọng cung cấp năng lượng giúp cho cơ thể và tế bào hoạt động. Riêng chất đạm thường được dùng bởi cơ thể cho vấn đề sinh trưởng và sửa chữa tế bào.

Chất Glucid (Carbohydrate)

Chất Glucid có trong những thức ăn như bánh mì, cơm, khoai tây, pasta, ngũ cốc, trái cây và đồ ngọt. Chất glucid thường là những hợp chất đường và được dự trữ trong gan là chất glycogen. Khi cơ thể trong thời kỳ hoạt động cần nhiều năng lượng, gan giúp phân ly chất glycogen thành những chất đường đơn giản (chẳng hạn như glucose, sucrose, lactose) để tế bào hoạt động. Như vậy, cơ thể tránh những trường hợp đường trong máu quá thấp. Có những trường hợp khi gan quá suy yếu không thể hoạt động được, cơ thể đưa đến tình trạng nguy hiểm nếu chất đường xuống quá thấp.

Chất Ðạm (Protein)

Chất đạm thường được phân ly và hấp thụ vào máu và đưa tới gan bằng những chất amino acid. Khi tới gan, các chất amino acid được dự trữ để sau này dùng hay là chuyển thành năng lượng cho cơ bắp thịt hoặc chuyển biến thành chất urê để bài tiết qua đường thận. Khi bệnh xơ gan người bệnh có thể bị lú lẫn khi chất ammonia cao. Những chất đạm quan trọng trong gan sản xuất chẳng hạn như albumin, transferin, ceruloplasmin và lipproteins. Tất cả những chất đạm này đóng những vai trò quan trọng khác nhau trong cơ thể. Chất đạm có trong thịt cá, trứng, cheese, hột dẻ, và dairy.

Chất Mỡ (Fats)

Chất mỡ thường có những thực phẩm như bơ, phó mát, dầu ăn, thịt mỡ. Mỡ không thể tiêu hoá nếu không có chất mật. Mật được làm từ gan và được dữ trữ trong túi mật. Mật được tiết vào ruột non để giúp cơ thể hấp thụ chất mỡ. Mật cần thiết để hấp thụ các sinh tố tan trong mỡ A, D, E, và K. Chất mỡ có thể dùng cho năng lượng dài hạn khi cần.

Dinh dưỡng cân bình

Trong đời sống chúng ta, ăn uống đúng dinh dưỡng giúp chúng ta duy trì một cuộc sống khoẻ mạnh. Một buổi ăn cân bình thường có ít chất mỡ, đường nhưng có nhiều chất xơ (fiber) và đủ chất đạm, vitamin và khoáng chất (minerals). Dinh dưỡng đúng khi chúng ta ăn đầy đủ thực phẩm khác nhau để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng kể trên.

Có năm loại thực phẩm chính:

1. Bánh mì, ngũ cốc, cơm
2. Rau và trái cây
3. Sữa, yogurt, phó mát
4.Thịt, cá, đậu
5.Mỡ, dầu, đồ ăn ngọt.


Mỡ, dầu, đồ ăn ngọt cung cấp rất nhiều năng lượng (calories) và có thể đưa đến trường hợp bị mập nếu ăn nhiều quá. Quan trọng trong bữa ăn là chọn từ 4 loại thực phẩm đầu tiên. Mỡ, dầu, đồ ăn ngọt nên ăn nhiều hơn cho những người thiếu cân. Riêng những người mập nên ăn ít hơn. Chúng ta cần calories khác nhau tùy theo tuổi tác, sex, trọng lượng và sinh hoạt. Thí dụ: một người già và nhỏ con sẽ cần ít thực phẩm hơn một thanh niên trẻ nhiều nghị lực. Nếu chúng ta ăn ít calorie hơn cơ thể cần, chúng ta sẽ sút cân. Nếu ăn nhiều hơn lượng cơ thể cần làm chúng ta mập.

Dinh dưỡng tuỳ theo tình trạng của bệnh gan

Như đã nói trên, dinh dưỡng tuỳ theo bệnh gan và ở giai đoạn nào. Gan cần năng lượng khác nhau tuỳ theo giai đoạn bệnh. Trong lúc bị gan cấp tính bệnh nhân cần nhiều năng lượng vì thế nên ăn nhiều chất có năng lượng (calories) hơn. Nhưng lúc bị chai gan nặng, người bệnh nên giảm đi chất đạm.

Bệnh sưng gan cấp tính

Bệnh gan cấp tính thường do viêm gan A, B, C, D, E hay rượu, thuốc. Ða số những bệnh nhân bị sưng gan cấp tính thường là khoẻ mạnh trước khi bệnh. Thiếu dinh dưỡng không phải là một vấn đề quan trọng. Nhưng lúc bị cấp tính, bệnh nhân có thể bị buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy hay đau bụng, nên cơ thể không thể ăn uống được. Những trường hợp đó cần phải nhập viện để điều trị. Riêng những bệnh nhân không có nhiều triệu chứng, không cần phải kiêng cữ nhiều. Tuy nhiên khi lúc bệnh viêm gan cấp tính, tế bào rất cần nhiều năng lượng để phục hồi, nên ăn uống nhiều calories hơn bình thường. Nếu ăn được, nên ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất đạm và mỡ trong thời gian phục hồi. Nhưng trong lúc bệnh có thể làm cho người bệnh buồn nôn, khó chịu và không muốn ăn. Trong những trường hợp đó, tốt nhất là ăn ít và ăn nhiều lần.

Bệnh sưng gan mãn tính

Trong lúc bị sưng gan mãn tính, đa số gan vẫn hoạt động bình thường, ngoại trừ khi gan tới thời kỳ chai gan nặng. Trong lúc giai đoạn đầu, người bệnh nên ăn bình thường, bữa ăn được cân bằng có đầy đủ các chất năng lượng, vitamins và khoáng chất. Ðại khái là không cần phải kiêng cữ thức ăn.


Tuy nhiên có vài loại bệnh gan đặc biệt, người bệnh nên cần phải thay đổi thức ăn. Bệnh gan do nhiều chất sắt (Hemochroma-tosis), người bệnh nên tránh uống hoặc chích chất sắt và tránh ăn những đồ ăn có chất sắt hoặc nấu ăn dùng nồi nấu bằng sắt. Bệnh gan vì nhiều chất đồng (Wilson’s disease), nên tránh ăn những đồ ăn có chứa nhiều chất đồng chẳng hạn như chocolate, hạt dẻ, shelfish, nấm. Bệnh mỡ gan thường gây ra bởi nhiều lý do chẳng hạn như starvation (đói), mập phì, thiếu chất đạm và phẫu thuật giảm cân (intestinal bypass), tiểu đường hoặc nhiều chất triglyceride. Dinh dưỡng cho bệnh mỡ gan khác nhau tuỳ theo căn bệnh. Nếu bị mỡ gan vì thiếu dinh dưỡng nên ăn uống cân bình đầy đủ các chất glucid, đạm và mỡ. Nhưng bị vì lý do mập hay bị bệnh mỡ cao, nên xuống cân và giảm đồ ăn mỡ. Nếu vì lý do rượu bia, người bệnh nên giảm uống rượu và tránh ăn thiếu dinh dưỡng.

Bệnh chai gan

Khi bị chai gan, những tế bào bị thay thế bằng những tế bào sẹo. Những tế bào sẹo không có còn giúp gan hoạt động bình thường được. Chai gan có thể đưa tới tình trạng thiếu dinh dưỡng. Bệnh nhân chai gan có thể cảm thấy buồn nôn, chán ăn, ói mửa và sút cân. Bệnh nhân vẫn nên ăn uống bình thường và điều độ trong thời kỳ chai gan chưa nặng. Chỉ khi thời kỳ gan bị chai nặng, thay đổi thức ăn rất cần thiết bằng cách giảm chất đạm và muối. Trung bình bệnh nhân bị chai gan cần 2.000 tới 3.000 calories một ngày để giúp gan phục sinh (regenerate). Tuy nhiên khi bị chai gan nặng ăn nhiều chất đạm quá có thể đưa đến tình trạng chất ammonia tăng trưởng trong máu và có thể ra lú lẫn. Nhưng ăn ít chất đạm quá sẽ không giúp gan phục hồi. Ða số bệnh nhân nên ăn ít chất đạm khi đã từng bị lú lẫn do bệnh gan. Trung bình mỗi ngày không nên ăn hơn 2gm muối hay không chấm hay đổ thêm nước mắm hay xì dầu trong lúc ăn. Vì nhiều chất muối có thể gây ra cổ chướng, sưng chân. Khi bị cổ chướng hoặc sưng phù chân, người bệnh phải nên giảm chất muối trong đồ ăn và đôi khi phải bớt đi nước uống. Muối có rất nhiều trong thực phẩm khi chúng ta ăn vì thế nên cẩn thận khi mua đồ ăn hộp hoặc ra ngoài ăn. Ðặc biệt đồ ăn Việt chúng ta có rất nhiều muối, buổi ăn lúc nào cũng có nước mắm hay nước tương. Trong nước mắm hay nước tương có rất nhiều chất muối. Vì vậy nên cẩn thận khi nêm nếm thức ăn mỗi ngày.

Gan và rượu

Gan bảo vệ cơ thể từ những ảnh hưởng độc của rượu bằng cách phân ly rượu thành những chất không độc. Nhưng khi bị bệnh gan do rượu, siêu vi trùng gan B, C hay các bệnh gan khác, người bệnh tốt nhất không nên uống rượu. Khi bị bệnh gan nhẹ, hiện nay chưa có bằng chứng nào bắt bệnh nhân không uống rượu. Nhưng đa số bác sĩ khuyên bệnh nhân không nên uống rượu khi bị bệnh gan. Khi bị bệnh gan, mức được uống rượu có thể khác cho mỗi cá nhân, vì mỗi bệnh nhân có thể bị bệnh trong những giai đoạn khác nhau. Nhưng có thể cùng giai đoạn bị bệnh gan giống nhau, người bệnh có thể bị ảnh hưởng khác nhau khi uống cùng một số lượng rượu giống nhau.

Thuốc và Gan

Có nhiều loại thuốc rất là hại cho gan trong lúc bị bệnh gan. Bệnh nhân nên biết thuốc có lợi hay hại cho gan khi dùng bất cứ loại thuốc nào. Khi ăn uống không được, người bệnh có thể cần phải uống thêm sinh tố (vitamins) và các khoáng chất khác. Nhưng không có nghĩa là phải ăn uống rất nhiều vitamins, vì nhiều quá có thể gây ra rất nhiều tai hại cho cơ thể. Thuốc acetamin-ophen (Tylenol) có thể hại cho gan nếu dùng quá độ khi bị bệnh gan. Trung bình không nên dùng hơn 2gm Tylenol khi bị chai gan. Những thuốc nhức chẳng hạn như thuốc bắc, dược thảo, cỏ cây hoặc thức ăn. Nhưng cho tới nay đa số không có được nghiên cứu lâu dài và công hiệu của những loại thuốc này không rõ ràng. Có nhiều dược phẩm bổ ít cho gan nhưng lại có ảnh hưởng phụ tai hại cho các cơ quan khác trong cơ thể. Vì thế khi dùng những thuốc trên, người bệnh nên cân nhắc kỹ lưỡng.

Những chướng ngại khi ăn uống lúc bị bệnh gan

Khi bị bệnh gan, nhiều người không ăn uống vì bị mất cân. Hai lý do chính là chán ăn (loss of appetie) và buồn nôn. Ðây là những cách (tips) có thể giúp cho bệnh nhân ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

Khi chán ăn:

.Ăn ít nhưng thường xuyên thay vì ăn một bữa ăn to nhiều.
.Cố gắng ăn thường xuyên khoảng 2-3 tiếng một lần
.Ăn những loại thực phẩm mình thích.
.Ăn từ từ.
.Nếu ăn không được những chất solid, nên uống thêm các nước dinh dưỡng chẳng hạn như glucerna, ensure.

Khi bị buồn nôn:

a...Ðừng để cho mình đói, vì khi đói có thể mình bị buồn nôn hơn.
b...Ðồ lạnh dễ ăn hơn đồ nóng.
c...Ăn ít nhưng ăn thường khoảng 2-3 tiếng một lần. Không nên lo là phải ăn một buổi ăn cân bằng khi bị buồn nôn. Ăn những gì mình có thể ăn được.
d...Nếu một buổi ăn nào làm cho mình buồn nôn, nên hít thở không khí trong lành trước khi ăn. Nên giữ miệng fresh bằng cách đánh răng, dùng các thuốc súc miệng hoặc chất mints.
e...Nên tránh ăn những thực phẩm có acid chẳng hạn như cam, bưởi, khóm. Tránh ăn những thực phẩm cay, mỡ, hoặc thực phẩm có mùi vị, quá nóng.


Tóm lại dinh dưỡng rất là quan trọng khi bị bệnh gan. Hầu hết những người bị bệnh gan nên cần có một bữa ăn cân bình, điều độ. Trong trường hợp bị chai gan nặng, đa số cần phải giảm đi chất đạm và muối. Bệnh nhân nên tham khảo với bác sĩ để có một chương trình dinh dưỡng; dược thảo đang được tiến hành nhưng hiện nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh các thuốc Nam, thuốc Bắc, dược thảo, thức ăn bổ gan chữa cho hết bệnh gan. Tương lai, chúng ta sẽ hiểu biết thêm nhiều qua các nghiên cứu khác nhau để giúp chúng ta đề phòng, điều trị bệnh hữu hiệu hơn.


Bác Sĩ Nguyễn A. Huy, M.D. ( trích trong "Sống Mạnh"số 138 )