Thứ Tư, 30 tháng 1, 2008

Bệnh về móng


Cùng với răng và xương, móng là những bộ phận rắn chắc nhất trong cơ thể. Nó bảo vệ mạng lưới thần kinh dày đặc ở các đầu chi, làm tăng độ nhạy của xúc giác ở các đầu ngón tay, ngón chân. Sự thay đổi của móng cũng báo hiệu các vấn đề sức khỏe.

Trong điều kiện bình thường móng tay, móng chân có màu đỏ hồng, do được mạng lưới mao mạch ở hạ bì nuôi dưỡng. Trong móng tay, móng chân có 10% nước. Trong một tuần lễ, móng tay dài thêm ra khoảng 0,5-1,2 mm; móng tay mọc nhanh hơn móng chân khoảng 4 lần. Ngón tay càng dài thì móng mọc càng nhanh. Thời tiết càng ấm móng tay mọc càng nhanh, vì vậy mùa hè móng tay mọc nhanh hơn mùa đông, ban ngày mọc nhanh hơn ban đêm. Móng tay, móng chân của những người sống ở phương Nam mọc nhanh hơn những người ở phương Bắc. Tốc độ phát triển của móng tay còn phụ thuộc vào thói quen sử dụng tay phải hay tay trái, người thuận tay phải thì móng tay bên phải mọc nhanh hơn, người thuận tay trái thì tình hình hoàn toàn ngược lại.

Để cho móng phát triển bình thường, cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Ở những người bị mắc bệnh đường tiêu hóa hoặc mắc chứng chán ăn, móng tay, móng chân sẽ phát triển chậm, đồng thời trên móng còn có thể hình thành những rãnh ngang. Móng tay, móng chân ở những người bị suy dinh dưỡng thường dễ gãy hoặc bị nứt, vỡ thành nhiều mảnh. Dưới đây là một số biến dạng điển hình nhất:

Đầu móng tay quắp xuống giống như mỏ diều hâu: Có khả năng hệ nội tiết hoạt động không bình thường, tuần hoàn máu có một số rối loạn. Ngoài ra, ở người cao tuổi và những người đã từng mắc các chứng nghẽn tắc kinh mạch cũng có thể có móng tay hình dạng như vậy.

Đầu móng tay nở to ra như dùi trống: Do các đầu chi bị thiếu ôxy lâu dài, thường thấy ở những người bị mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính như lao phổi, thũng khí phổi, các bệnh tim mạch, viêm loét đường tiêu hóa, xơ gan...

Móng tay hình cái thìa: Phần giữa lõm xuống, phần bao quanh vênh lên, giống như cái thìa. Dạng này có thể xuất hiện ở những người bị mắc bệnh tủy sống, chức năng tuyến giáp trạng bị trục trặc, trúng độc rượu hoặc bệnh phong thấp. Một số chuyên gia còn cho rằng, hiện tượng móng tay bị vênh lên như vậy có liên quan đến tình trạng cơ thể bị thiếu chất sắt, hằng ngày cần chú ý bổ sung thêm các thức ăn hàm lượng sắt cao.

Móng tay có rãnh: Trên móng tay xuất hiện những vệt lõm theo chiều ngang giống như lòng máng. Có thể do dinh dưỡng thiếu hụt hoặc một số căn bệnh có ảnh hưởng đến sự phát triển của móng tay như sởi, bệnh tim, thần kinh suy nhược.

Móng tay nổi gờ: Trên móng có những đường gờ nổi lên theo chiều dọc hoặc chiều ngang. Gờ dọc thường do hay bị mất ngủ hoặc thức đêm liên tục. Móng tay người già cũng thường có gờ dọc. Nếu trên móng tay người trẻ tuổi có gờ dọc nổi lên, thì cần đặc biệt chú ý đến tình trạng sức khỏe. Gờ ngang thường thấy ở những người mắc các bệnh nhiệt cấp tính, bị trúng độc thuốc hoặc một số bệnh mạn tính như urê niệu, tiểu đường. Ngoài ra, bệnh thấp chẩn (eczema), viêm da, nấm da, hoặc gốc móng tay bị tổn thương cũng có thể khiến cho trên móng tay có những đường gờ.

Móng tay dày: Móng tay dày lên rõ ràng, khô, nhợt nhạt và dễ gãy là hiện tượng thường thấy ở người già; cũng thường xuất hiện trong những trường hợp như nấm móng tay, viêm móng tay, thiếu canxi, bệnh phong thấp, phù niêm mạc, các bệnh ở tủy sống hoặc bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Móng tay mỏng: Móng tay mỏng hơn bình thường và ấn vào thấy đau thường gặp ở những người cơ thể bị suy nhược nặng, bị rối nhiễu thần kinh và khi mắc phải một số bệnh mạn tính có tính tiêu hao.

Mảng trắng hình bán nguyệt ở gốc móng tay: Thường gọi là “móng bán nguyệt”. Những mảng loại này ở nam giới có kích thước lớn hơn nữ giới; “bán nguyệt” trên ngón cái lớn nhất, sau đó nhỏ dần theo trình tự ngón trỏ - ngón giữa - ngón đeo nhẫn (vô danh). Thông thường chỉ có hai ngón út là không có bán nguyệt. Bán nguyệt nhỏ, số lượng ít, thường thấy ở “thực chứng” (bệnh cấp tính) và “dương hư” (suy giảm chức năng) - theo phân loại chứng trạng trong Đông y. Bán nguyệt lớn, số lượng nhiều thường thấy ở những người khí huyết thịnh vượng hoặc các bệnh “âm hư dương thịnh”, dễ bị trúng phong.

Móng tay giòn: Móng tay mỏng đi, giòn, dễ gãy, có những vết nứt theo chiều dọc hoặc các lớp móng tay bị tách rời thường thấy ở những người bị rối loạn tuần hoàn ngoại vi, thiếu ôxy, khí thũng phổi, nang lông bị hóa sừng, thiếu vitamin. Loại móng tay này còn rất dễ bị nứt vỡ khi ngâm lâu trong nước xà phòng hoặc nước muối.

Móng tay bị bong ra: Thường thấy ở những người bị mắc một số bệnh toàn thân như cường năng tuyến giáp (Basedow), thiếu máu, rối loạn tuần hoàn ngoại vi...

Móng tay trắng bệch: Đại bộ phận da dưới móng trắng bệch, chỉ còn lại phần cuối móng tay là vẫn còn màu hồng như thường. Dạng này thường thấy ở những trường hợp mất máu cấp tính, thiếu máu, có thể là triệu chứng sớm của bệnh xơ gan.

Móng tay bị vàng: Móng tay trở nên dày và cứng, mọc chậm, có màu vàng hoặc vàng lục. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể là các bệnh thuộc hệ hô hấp hoặc bệnh tuyến giáp trạng. Ngoài ra, bệnh viêm gan vàng da cũng có thể khiến cho móng tay bị vàng.

Móng bị đen: Móng tay hoặc móng chân biến thành màu đen hoặc màu nâu, có thể là do bị ung thư hắc tố (melanoma). Bệnh tình càng nghiêm trọng khi phần đầu móng bị biến thành màu đen hoặc màu nâu. Móng có thể bị biến sắc theo từng điểm hoặc từng mảng; các móng tay cái và móng chân cái là những vị trí dễ bị biến sắc nhất.

Móng tay có chấm đỏ: Dưới móng tay xuất hiện những điểm đỏ, có thể do bị xuất huyết mao mạch, có thể do tăng huyết áp, bệnh ngoài da hoặc cơ thể tiềm tàng một số bệnh nghiêm trọng.

Móng tay có đốm trắng: Dưới móng tay xuất hiện những điểm hoặc những đốm màu trắng, có thể do giun đũa hoặc trước đó ít lâu đã bị cúm. Những người dễ mệt mỏi, thiếu canxi... trên móng tay cũng có thể xuất hiện những điểm trắng.

Móng tay tím: Móng tay biến thành màu tím thường là do ứ huyết và thiếu ôxy; dạng này thường thấy ở những người mắc các bệnh tim mạch.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)


Cùng với sự phát triển của cơ thể, móng tay chân cũng có quá trình phát triển của riêng nó, móng với hợp chất chủ yếu được xác định là keratin protein, có một vai trò nhất định trong cuộc sống con người và trong lĩnh vực làm đẹp. Móng vì thế, như các chuyên gia nhận xét, bản thân nó phản ảnh một tình trạng sức khoẻ nào đó của con người

Hiểu biết về móng, nhất là các bệnh về móng sẽ giúp bạn biết cách chăm sóc và bảo vệ chúng. Thường bệnh về móng được hiểu là các triệu chứng rối loạn về móng. Bệnh về móng thường gồm các loại sau:

1. Móng bị mất màu (Discolored nails):

Bệnh trạng: Móng đổi màu thành vàng, xanh xám, xanh hay đỏ, tím.

Nguyên nhân: Do tuần hoàn máu kém.

Giải pháp: Che dấu tình trạng này bằng móng giả, móng wrap hoặc sử dụng nước sơn màu.

2. Móng bị xước (Hang nails):

Bệnh trạng: Da quanh móng bị xước ra.

Nguyên nhân: Do da quanh móng (culticle) bị khô hay do bị cắt sát vào móng quá nhiều.

Giải pháp: Bôi dầu và tỉa da bị tróc để làm mềm lớp cuticle.

3. Móng bị bầm tím (Bruised nails):

Bệnh trạng: Có máu bầm tụ dưới thân móng, có khi ngả màu từ tím sang đen.

Nguyên nhân: Do nail bed (nền móng) bị tổn thương.

Giải pháp: Có khi móng tự rụng đi trong quá trình lành bệnh, trong trường hợp này không nên làm móng giả.

4. Móng gợn sóng (Furrows):

Bệnh trạng: Xuất hiện gợn sóng dọc chiều dài hoặc chiều ngang móng.

Nguyên nhân: Thường do bệnh vẩy nến gây ra (Psoriasis) hoặc do tuần hoàn máu kém hay bị tê cóng. Đôi lúc là người lớn tuổi triệu chứng này lại được xem là bình thường do tuổi tác. Có khi do sốt cao, có thai, hay do bệnh nhức đầu ở trẻ em hoặc do cơ thể thiếu chất kẽm cũng gây ra các triệu chứng này.

Giải pháp: Đánh bóng móng bằng bột đánh bóng, để làm ngắn những đường lằn này, phần lằn còn lại dùng chất Ridge Filler làm dầy và dùng sơn màu phủ lên, giúp cho móng trông nhẵn và khỏe lại.

5. Móng có các chấm trắng nhỏ (Móng bị hột gạo – Leuconychia):

Bệnh trạng: Xuất hiện các đốm trắng nhỏ trên bề mặt móng, có khi gọi là móng bị hột gạo.

Nguyên nhân: Móng bị tổn thương do chịu lực ép mạnh hoặc do khách dùng móng hay mũi móng quá độ hay với cường độ mạnh.

Giải pháp: Giải thích cho khách hiểu không cần xử lý, móng sẽ tự lành, nhưng cần tránh các tác nhân gây ra kể trên, để tránh tiếp tục làm xấu móng đi.

6. Móng bị rụng (Onychatrophia):

Bệnh trạng: Móng bị rụng dần.

Nguyên nhân: Do tổn thương Nail matrix hay do bệnh nội thương.

Giải pháp: Nếu dùng dũa thì nên sử dụng giũa giấy giũa móng bằng mặt mịn và phải hết sức cẩn thận.

Theo XinhXinh