Nếu bạn muốn tìm một bộ môn thể dục lý tưởng cho hết mọi người thì thật là không có. Tại sao? Vì mỗi người là một thế giới riêng biệt: già trẻ, lớn bé, mạnh yếu, có sức khỏe hay bệnh tật, khác tôn giáo, khác văn hóa, khác thời tiết, khác mục tiêu v.v. Vì thế càng ngày càng có nhiều cách tập luyện khác nhau: aerobic, tai chi, pilates, fitness, múa gậy, nhảy bục, đi bộ, chạy, bơi, xe đạp, yoga… Mỗi người thích và chọn lựa một bộ môn khác nhau. Có khi vì thích bộ môn thể dục đó, có khi vui vì có bạn rủ rê, có khi vì thời gian và không gian thích hợp. Nhưng rất nhiều người không hiểu hoặc không được hướng dẫn cặn kẽ để lựa chọn cho mình một môn thể dục thích hợp và hữu ích nhất cho cả thể xác lẫn tinh thần. Sau đây xin kể hầu quí độc giả vài kinh nghiệm luyện tập thể dục của người viết.
Cách đây rất lâu, lúc còn bé ở trung học, tôi thích đá bóng và chơi pingpong. Lớn lên khi lên đại học lại lân la đến võ đường học hapkido và aikido. Nhưng rồi phải bỏ dở, vì các bộ môn này đòi hỏi phải tập luyện chung hoặc cặp đôi, chứ không luyện tập một mình được. Sau khi ra trường, bận rộn với công việc, bẵng đi một thời gian dài, không tập luyện thể dục được, sức khỏe sa sút rõ rệt, tháng nào cũng cảm cúm. Tình cờ gặp thày Nguyễn Phước Đàng dạy thái cực quyền, tôi chuyên cần luyện tập bát đọan cẩm, khí công, thái cực đỏan và trường quyền. Sức khỏe nhờ đó được tăng tiến khá tốt. Bộ môn khí công thái cực quyền tương đối rất khó, làm sao vận và dẫn được khí lực trong cơ thể và diễn tập các động tác chiêu thế nhuần nhuyễn cho trọn bộ quyền đòi hỏi rất nhiều công phu và thời gian. Vì thế không dễ mấy người luyện tập được. Thày Đàng mất vào mùa đông năm 2004, thọ 91 tuổi. Trong suốt thời gian thày còn sinh tiền, cũng có rất nhiều người theo học, nhưng cũng có rất nhiều người bỏ dở. Cuối cùng cũng chỉ còn lại vài chục anh chị em kiên trì theo đuổi. Rồi khi thày qua đởi, nhóm cũng tan rã theo.
Một hai năm sau nhân tình cờ đi nghe Thày Hằng Trường thuyết trình về “Spiral Dynamic” tại Houston Community College, tôi cũng được biết thày đang truyền bá một môn thể dục gọi là Càn Khôn Thập Linh giúp tăng tiến sức khỏe và cả tinh thần nữa (both body and mind). Nghe tên có vẻ rất huyền bí, gợi tính tò mò, nên tôi lò dò đến tìm hiểu xem sao. Không ngờ có duyên, gặp được một số bạn hữu mới, già có trẻ có rất dễ thương, hẹn nhau tập luyện chăm chỉ một tuần ba lần. Tiếng lành đồn xa, càng ngày càng có nhiều người muốn cùng luyện tập. Từ một phòng khách của một tư gia, lớp học phải rời ra ngòai phố Bellaire. Chúng tôi phải cấp tốc sang California để được húân luyện thêm với thày Hằng Trường ngõ hầu có đủ khả năng về giúp bà con ở Houston học tập bộ môn Càn Khôn Thập Linh. Đọc đến đây chắc quý độc giả cũng thắc mắc không biết Thày Hằng Trường là ai? Càn Khôn Thập Linh (CKTL) là gì và tập luyện làm sao?
Thày Hằng Trường (HT), một tu sĩ Phật Giáo, xuất gia năm 1982 tại Vạn Phật Thánh Thành, một Trung Tâm Phật Giáo qui mô do Hòa Thượng Tuyên Hóa sáng lập và điều khiển tại California. Trong những năm tu luyện tại đây, ngòai hòa thượng viện chủ, thày HT còn có duyên học hỏi với nhiều cao tăng tôn sư về Phật pháp cũng như những bộ môn công phu luyện tập thân thể như thiền, yoga, khí công, thái cực quyền…Rời tu viện “xuống núi” với một lý tưởng là làm sao giúp cho bá tánh tu luyện thân tâm trong cuộc sống xô bồ của thể kỷ 21 này, thày HT đi tìm một “con đường”. Tạm sống như một bá tánh, ngồi trên sườn đồi Hawaii một thời gian dài, suy tư so sánh nhiều pháp môn, cuối cùng tâm trí bừng sáng, thày đã vẽ ra một con đường mới mẻ nhưng thích hợp cho con người hiện đại ngày nay: con đường tu tòan diện, sống giữa đời với trái tim bồ tát, tăng tiến sức khỏe, tâm linh và trí tuệ, cùng lúc duy trì tình cảm hài hòa với mọi người bất phân biệt tôn giáo và văn hóa. Con đường tu luyện đó được khởi đầu với bộ môn thể dục Càn Khôn Thập Linh.
Càn Khôn Thập Linh (CKTL) được thày HT sáng chế bằng cách tổng hợp từ thái cực quyền, khí công, yoga và thiền. Các tư thế nhắm rất nhiều vào việc vận động cột sống, nơi có hệ thống tủy sống nối liền với não bộ, trung tâm thần kinh. Dọc theo cột sống cũng là tọa điểm của các trung tâm năng lực, mà theo yoga gọi là chakra dịch là luân xa. Có 7 trung tâm năng lực, trùng hợp với các chùm thần kinh (nervous plexus). Khi chúng ta chuyển động xương sống một cách đúng mức, các chakra này sẽ được kích thích hay dương hóa, từ dưới lên trên, khiến cho bệnh tật tiêu tan, sức khỏe tăng tiến, trí óc minh mẫn sáng sủa, tâm linh nhờ đó được mở mang. Người tập lâu ngày sẽ phát triển được nhiều khả năng: thăng bằng (balance), buông lỏng(relaxation), nhận thức rõ ràng (awareness), hài hòa (harmony), bền bỉ kiên nhẫn ( endurance)…Muốn được như vậy, người tập phải biết phối hợp các động tác với hơi thở, buông lỏng cơ bắp và đầu óc, đồng thời áp dụng phép quán tưởng và thiền định để cho các khí lực trong người được vận dụng tối đa. Tên gọi “Càn Khôn Thập Linh” nghe khó hiểu và có vẻ kỳ bí đối với người Tây phương và các bạn trẻ, nên bộ môn này còn được gọi là Integral Taichi hoặc CK10 cho dễ nhớ và dễ hiểu.
Có mười thế chính trong bộ môn CKTL, mở đầu với thế Càn ( Trời), kết thúc bằng thế Khôn (Đất), chính giữa là tám (8) thế với tên của các linh vật, đó là Cóc, Trâu, Hạc, Rồng, Phượng, Cọp, Bướm và Rùa. Các động tác được thày HT nghiên cứu thật tỷ mỉ chi tiết để có thể diễn tả các động tác và những đức tính quý báu của mỗi linh vật. Ngòai ra thày còn kèm thêm vào các khẩu quyết (mantra) sọan thảo công phu để đọc theo mỗi phân thế, giúp chúng ta lột tả hết ý nghĩa thâm sâu của mỗi linh vật và áp dụng vào việc tu luyện sức khỏe và tâm linh. Thọat nghe chỉ có 10 thế, chúng ta có thể cho là dễ ợt. Nghĩ như vậy cũng đúng. Một người bình thường tương đối còn lanh lẹ, có thể học một vài tháng là biết. Nhưng muốn đạt được hết cái diệu dụng của môn CKTL thì đòi hỏi ta phải có công phu lâu dài. Tuy nhiên bộ môn này có cái hay là tập đến đâu hữu ích đến đó.
Theo dõi những người luyện tập từ trước tới nay, bộ môn CKTL đã và đang giúp cho họ khá nhiều lợi ích. Cũng nên ghi nhận nơi đây là những kết quả này chưa được y khoa kiểm chứng. Hy vọng trong tương lai có những công cuộc nghiên cứu khoa học theo dõi phân tách các bệnh nhân tập luyện CKTL để minh chứng một cách rõ ràng hơn. Sau đây là một vài lợi ích mà các học viên cho biết sau một thời gian luyện tập:
- Điều hòa chức năng của các cơ quan nội tạng (regulate functions of internal organs)
- Giảm căng thẳng (de-stress)
- Giảm đau ( đau lưng, đau các khớp xương, đau bắp thịt…, relieve bodily pains)
- Tăng tiến sức khỏe tổng quát (improve general health)
- Gia tăng sức tập trung và sự sáng suốt (Improve concentration and clarity)
- Thăng tiến bản thân và lòng tự tin (Elevate self-image and confidence)
- Gia tăng sức uyển chuyển của cơ thể (Increase flexibility)
- Giảm đi sự lão hóa (lessen affects of aging)
Nghe biết các lợi ích của CKTL hấp dẫn như vậy ai chả ham. Nhưng làm được hay không, còn tùy chúng ta có coi sức khỏe thân tâm là quan trọng và ưu tiên hay không. Nếu muốn, chúng ta vẫn có thể sắp xếp thì giờ cho việc luyện tập. Tuy nhiên rất mừng là trong thực tế, một khi quyết định rồi và sau 5, 6 tháng tập luyện, số người bỏ cuộc khá ít, nhưng số người tiếp tục còn rất đông. Điều này chứng tỏ, tập CKTL rất hấp dẫn và không nhàm chán. Mỗi tuần chúng ta có thể đến lớp tập chung với nhau khỏang hai hay ba lần. Mỗi buổi tập kéo dài khỏang 2 tiếng đồng hồ. Chương trình gồm có 15 phút làm nóng cơ thể (warm up) với 10 thế vận động khớp xương, bắp thịt từ chân lên tới đầu. Sau đó là 5-10 phút tập yoga asana. Kế tiếp phần chính với 10 thế Càn khôn thập linh trong vòng 60 phút. Cuối cùng kết thúc với phần nằm nghỉ xả và nghi thức tri ân. Mỗi phần đều có mục đích riêng biệt và quan trọng cần thiết không nên bỏ (skip) hoặc đốt giai đọan. Nếu đi vào chi tiết để giải thích tầm quan trọng của mỗi phần sẽ làm cho bài viết này dài quá khổ. Xin hẹn có dịp khác sẽ được trình bày sau.
Hiện nay Thày Hằng Trường đang cư ngụ và hướng dẫn các chương trình tu luyện tại miền nam California với sự hộ giúp của hội Từ Bi Phụng Sự cũng do thày sáng lập. Có rất đông các bạn trẻ tham gia đóng góp rất nhiều thời giờ, tài năng và nhất là tình thương từ trái tim từ bi bác ái trong việc tổ chức và huấn luyện cho bà con được khỏe hơn. Có nhiều lớp luyện tập ở nhiều nơi như nam bắc California, Washington DC, Houston và Dallas Texas, Hungary, France, và đặc biệt tại Đài Loan. Thày HT thông thạo tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Trung Hoa. Thày thường sang Đài Loan dậy CKTL, thiền và thuyết pháp bằng tiếng quan thọai, được người bản xứ rất kính trọng và hoan nghênh. Riêng tại Houston, có chi nhánh của Hội Từ Bi Phụng Sự, gồm vài ba chục người cũng rất hăng say góp sức học tập và tổ chức các lớp huấn luyện thường xuyên tại nhiều địa điểm khác nhau. Địa điểm chính là Hội Qúan Sài Gòn Houston trên đường Bellaire. Số học viên càng ngày càng đông.
Sau một thời gian dài tập luyện, bản thân người viết cũng gặt hái được đôi chút lợi lộc, dai sức hơn, bớt đau nhức lặt vặt, bụng xẹp xuống như hồi còn trẻ, không ham ăn uống tầm xàm, tinh thần phấn chấn và thăng bằng hơn, tâm linh cũng phát triển đôi chút. Đó cũng là kết quả gặt hái được của rất nhiều học viên tại Houston mà tôi ghi nhận được trong các buổi mãn khóa. Có nhiều người còn khỏi hoặc bớt được một số chứng bệnh kinh niên, như Parkinson, phong thấp, đau lưng, chóng mặt, ăn uống tiêu hóa trì trệ, chán đời, do đó cảm thấy trẻ ra và tự tin yêu đời hơn. Chúng tôi rất vui mừng được nghe thấy những kết quả khả quan đó. Tuy nhiên cũng có những trường hợp không có kết quả rõ rệt, đó cũng là chuyện bình thường, có thể do cá nhân đó không luyện tập đầy đủ, hoặc có thể bộ môn CKTL không thích hợp cho cá nhân đó. Riêng cá nhân tôi, thiết tưởng đây là một phương pháp luyện tập tuyệt vời. Trước hết nó nhắm vào việc luyện tập xương sống (spinal exercises), một bộ phận quan trọng bậc nhất trong cơ thể, nơi chứa tủy sống và hệ thần kinh trung ương, liên hệ trực tiếp đến tòan bộ sinh họat của cơ thể. Ngòai ra, sự tập luyện cũng giúp tinh thần phát triển và thăng tiến không ngừng. Chưa kể rất tiện lợi, bạn có thể tập một mình, nhưng tập với nhóm thì vui hơn và phê hơn. Nếu bạn muốn tìm hiểu và tập luyện bộ môn CKTL này xin cứ liên lạc với
Hội Từ Bi Phụng Sự tại CSSTEXAS.ORG hay
hoanghiemphapvong.org.
PHẠM ÁNH