Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2008

Hỷ lạc liệu pháp trong Đông y

Trong lịch sử Y học cổ truyền phương Đông, tiếng cười đã được các Y gia coi trọng vì cười là biểu hiện của niềm vui, mà vui (hỉ) là một trong 7 loại tình chí có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và bệnh tật của con người, cổ nhân gọi là thất tình: hỉ (vui), nộ (giận), ưu (lo), tư (nghĩ), bi (buồn), khủng (sợ), kinh (khiếp). Nội kinh tố vấn, y cổ thư kinh điển của Đông y trong chương Cử thống luận đã viết: “Nộ tắc khí thượng, hỉ tắc khí hoãn, bi tắc khí tiêu, khủng tắc khí hạ, kinh tắc khí loạn, tư tắc khí kết”.

Điều đó có nghĩa là, bình thường các loại tình chí biến đổi có chừng mực, thuộc phạm vi sinh lý không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng nếu bị kích thích quá độ hoặc kéo dài quá lâu thì có thể gây ra các rối loạn chức năng, làm tổn thương tạng phủ, khí huyết, kinh lạc mà phát sinh thành bệnh.

Mặt khác, trong quá trình chẩn trị bệnh tật, cổ nhân đã biết vận dụng các loại tình chí có tính đối kháng với nhau để chế ước lẫn nhau nhằm đạt mục đích cuối cùng là tiêu trừ bệnh tật. Đây chính là cơ sở để hình thành một trong những biện pháp sử dụng tâm lý trong điều trị của Y học cổ truyền mà cổ nhân gọi là “Ý liệu pháp” hoặc “Thất tình liệu pháp”.

Trong 7 loại tình chí, hỉ thông thường là loại có tác dụng tích cực. Theo quan niệm của cổ nhân, hỉ thông với tạng tâm, có khả năng làm tăng hoạt động của tâm mạch, giúp cho khí huyết lưu thông dễ dàng và hòa hoãn. Hỉ còn có tác dụng chế ước các loại tình chí dễ gây ra bệnh tật như ưu, tư và bi.

Bởi vậy, cổ nhân đã sử dụng “Hỉ lạc liệu pháp” một cách rất linh hoạt trong việc phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho con người. Người xưa cho rằng, muốn có sức khỏe thì phải biết điều dưỡng tinh thần, nghĩa là tạo ra và giữ được đời sống tinh thần vui vẻ, phải bồi dưỡng tính hài hước để cuộc sống không bao giờ thiếu tiếng cười. Tiếng cười là thần dược cho sức khỏe con người, có thể giúp cho lục phủ ngũ tạng và cơ bắp được thư giãn, tâm trạng được điều tiết và cân bằng, tuần hoàn và hô hấp được thúc đẩy, khí huyết trong kinh mạch được thông sướng... Y thư cổ đã viết: “Hỉ tắc khí hòa chí đạt, dinh vệ thông lợi, khí huyết hòa sướng”.

Cũng cần phải thấy rằng, theo quan điểm của Đông y, niềm vui và tiếng cười là rất tốt nhưng cũng không nên thái quá. Bởi lẽ, “bạo hỉ thương dương” (vui quá dễ làm tổn thương dương khí), “hỉ khí sở chí, vi tiếu bất hưu, vi mao cách tiêu, vi nhục bệnh, vi dương khí bất thu, thậm tắc vi cuồng” (vui tột cùng, cười không nghỉ dễ làm da khô, cơ bắp bị bệnh, dương khí thương tổn không thu lại được, thậm chí có thể phát cuồng) (Lưu Thuần - Ngọc cơ vi nghĩa).

Theo các nhà nghiên cứu Y học hiện đại, tiếng cười thực chất là một vận động rất có ích cho cơ thể. Khi cười, các bộ phận như cơ hoành lồng ngực, ổ bụng, tim, phổi... đều được rèn luyện, các nội tạng được xoa bóp. Theo tính toán, mỗi một lần cười cơ hoành vận động khoảng 18 lần, các cơ liên sườn, cơ mặt cũng hoạt động liên tục, vì vậy cười có tác dụng tăng cường tuần hoàn huyết dịch, cải thiện công năng hô hấp, thúc đẩy quá trình chuyển hóa và kích thích sự bài tiết dịch tiêu hóa, làm tăng cảm giác thèm ăn, nâng cao năng lực hoạt động của dạ dày, trợ giúp cho quá trình phục hồi của dạ dày bị sa do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nhiều công trình nghiên cứu hiện đại đã cho thấy khi dùng lời nói khiến người bị bệnh tăng huyết áp bật cười thì chỉ số huyết áp có thể giảm được 20mmHg và làm nhịp tim chậm đi 8 nhịp. Ngoài ra, cười còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc điều tiết hoạt động của não bộ, lập lại sự cân bằng của các trạng thái rối loạn tâm lý. Khi người ta bật cười, vỏ đại não được nghỉ ngơi gấp 3 lần so với khi ngủ. Khi nghiên cứu về tiếng cười, các nhà khoa học Pháp nhận thấy, trong lúc cười bộ não sẽ sản sinh ra các catecholamin (adrenalin và noradrenalin) và nhiều hormon khác, các chất này có khả năng kích thích quá trình hình thành morphin nội sinh, một chất có tác dụng trấn tĩnh và giảm đau rất tốt, đưa lại sự yên bình cho hệ thống thần kinh trung ương và cơ thể.

Chính vì tác dụng to lớn của tiếng cười mà ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc sử dụng tiếng cười trong trị liệu đã được hình thành dưới nhiều hình thức khác nhau như: Bệnh viện chẩn trị và điều dưỡng bằng nụ cười ở Mỹ, Câu lạc bộ cười thư giãn ở Anh, Công ty tư vấn nụ cười ở Đức, trường học cười ở Nhật, “Công ty xuất khẩu tiếng cười” ở Brazil, thậm chí còn có cả hình thức cung cấp hoặc tạo ra nụ cười bằng điện thoại, nghĩa là khi cần bạn có thể nhấc máy và quay số điện thoại chuyên dùng là có thể nghe thấy tiếng cười ngây ngất ở đầu dây kia, nhờ đó bạn có thể giải trừ được những ưu phiền, mệt mỏi và sức khỏe được phục hồi thực sự.

Tóm lại, trong Y học cổ truyền cũng như trong y học hiện đại, biện pháp sử dụng niềm vui, tiếng cười để phòng chống bệnh tật đóng một vai trò khá quan trọng. Vấn đề còn lại là ở chỗ, làm sao có thể tạo ra được các tình huống dễ gây cười, tiếng cười thực sự từ trong tâm khảm chứ không phải là những nụ cười “ngoại giao” giả tạo, tiếng cười thoải mái và hồn nhiên có thể đưa người ta vượt qua muôn vàn đau khổ của bệnh tật và bất hạnh của cuộc đời để cập được bến bờ của sự bình yên và hạnh phúc.

ThS. Hoàng Khánh Toàn - SK&ĐS