Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

Khỏi bệnh nhờ niềm tin


Bác sĩ nói với Norman Cousin rằng cuộc sống của ông chỉ còn tính bằng tháng do bệnh rối loạn nhịp tim. Ông không chấp nhận điều này mà tự điều trị bằng vitamin C, phim hài và... cười. Cuối cùng bệnh đã khỏi hẳn.

Norman Cousin (người Mỹ) rất đau khổ khi nghe bác sĩ thông báo chứng loạn nhịp tim của ông đã tiến triển quá nhanh và đang bước vào giai đoạn trầm trọng. Theo chẩn đoán của các chuyên gia tim mạch, cuộc sống của ông chỉ còn tính bằng đơn vị tháng.

Nghe lời khuyên của một nhà tâm lý, người đàn ông ham sống này quyết định tự điều trị bệnh cho mình bằng liệu pháp... cười. Phác đồ chữa trị chủ yếu là chế độ ăn uống vitamin C liều cao và xem phim hài. Thật bất ngờ, tình trạng loạn nhịp tim trước và sau mỗi trận cười vỡ bụng của bệnh nhân giảm dần theo thời gian. Trái với dự đoán của giới chuyên môn, ông Cousin cuối cùng đã chiến thắng được bệnh tật. Trong suốt nhiều năm tiếp theo, ông sống và làm việc trong tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình thường.

Theo kết luận của một nhóm nghiên cứu, kết quả tự điều trị của ông Cousin đã chứng tỏ tác dụng tích cực của trạng thái tâm lý: Không hoảng loạn khi đối diện với bệnh tật, tập trung cao độ vào mục tiêu và đặc biệt là tin tuyệt đối vào khả năng đấu tranh của cơ thể.

Câu chuyện của bà Sylvia Andrew người Anh còn ly kỳ hơn. Vốn là một con chiên ngoan đạo, năm nào bà cũng hành hương đến vùng đất thánh Lourdes ở Pháp. Sau cú sốc khi bác sĩ phát hiện bà bị ung thư tuyến tụy, bà đinh ninh rằng mình sẽ hoàn thành chuyến hành hương cuối cùng trước khi ngã quỵ vì bệnh tật. Thế nhưng tất cả đã diễn ra vượt quá sự mong đợi. Trên đường trở về nước Anh, mọi sự đau đớn bỗng nhiên tiêu tan cho dù bà không uống bất cứ một thứ thuốc gì. 8 năm sau, bà xuất hiện trên chương trình truyền hình BBC và kể lại tỉ mỉ câu chuyện kỳ lạ của mình.

Tiến sĩ Benson thuộc Đại học Harvard cho biết, hàng thế kỷ nay, giới y học chứng kiến không ít trường hợp bệnh nhân bước qua cái chết, tự nhiên hồi phục sức khỏe mà không thể lý giải, cứ như là có phép lạ. Theo ông, hiện tượng ung thư tự biến mất như trường hợp bà Andrew rất hiếm khi xảy ra, xác suất là 1/100.000.

Sau khi tiếp tục nghiên cứu 400 trường hợp ung thư hồi phục một cách ngẫu hứng khác, ông kết luận tuy cách trị liệu có khác nhau (một số chỉ uống nước hoa quả hay vitamin C liều cao, một số khác uống thảo dược) nhưng tất cả đều có niềm tin sắt đá rằng chắc chắn mình sẽ khỏi bệnh. Chính niềm tin đã đóng vai trò sức mạnh phi thường và kỳ lạ trong các trường hợp này.

Một biểu hiện của sức mạnh niềm tin đã được y học tận dụng hiệu quả là giả dược - placebo (tiếng Latinh có nghĩa là “tự mê hoặc”). Giả dược có thể chỉ là hợp chất của một loại muối sinh học, nước cất hoặc bột ngũ cốc trộn với đường. Tuy không có tính năng chữa bệnh nhưng trong một số trường hợp nhất định, nó vẫn làm cho sức khỏe của không ít người được cải thiện.

Trong những năm 70 thế kỷ trước, người ta đã tiến hành hàng loạt thí nghiệm: Cho hàng nghìn bệnh nhân bị bệnh chảy máu dạ dày uống giả dược. Trên 50% đã khỏi bệnh. Ngoài lòng tin vào tác dụng của thuốc, người bệnh không được cung cấp bất cứ chất liệu gì có khả năng chữa trị.

Niềm tin kéo dài cuộc sống

Giáo sư Mary Gilhooly thuộc Đại học Paisley ở Scotland đã khẳng định như vậy trong cuốn sách của mình. Qua hơn 40 nghiên cứu, được thực hiện với 126.000 người cao tuổi, ông đã chứng minh rằng: Những người luôn lạc quan và tin tưởng vào cuộc sống bao giờ cũng trơ lỳ hơn với stress và đối đầu có hiệu quả hơn với khó khăn. Họ dễ thỏa mãn với cuộc sống và không bao giờ cảm thấy cô độc. Họ ít bị phiền toái vì chứng cao huyết áp, ít bị mắc bệnh tim mạch và ung thư.

Người có lòng tin sâu sắc giảm được 50% nguy cơ tử vong vì nhồi máu cơ tim so với người không có hoặc có rất ít lòng tin.

Ngoài ra, nghiên cứu của chuyên gia Hitchcock thuộc Trung tâm Y học Darthmouth khẳng định: Người tin mãnh liệt có cơ may qua khỏi đại phẫu thuật tim lớn hơn 3 lần so với người không có niềm tin.

Niềm tin cũng là đối tượng chính của trường phái y thuật Ấn Độ mang tên Ayusveda (có nghĩa là kiến thức về sự sống). Tiến sĩ Deepak Chopra, học giả nổi tiếng nhất của trường phái này, khẳng định sự can thiệp của ý chí và niềm tin đã khiến cho một số trường hợp khỏi bệnh (thậm chí là bệnh nan y) hoặc sống được lâu hơn rất nhiều do với thời gian các bác sĩ dự đoán.

Nhiều bệnh nhân đã “kề miệng lỗ” song vẫn có thể kéo dài sự sống thêm vài ba tháng, thậm chí hàng năm để hoàn thành một tâm nguyện, chờ đón một sự kiện quan trọng hay chờ gặp mặt người thân. Họ tin rằng họ sẽ làm được, sự kiện đó nhất định sẽ xảy ra hay người thân của mình chắc chắn sẽ trở về. Niềm tin ấy đã khiến họ nảy sinh ý chí muốn sống, muốn vượt qua số phận, chiến thắng cái chết.

Nhiều nhà khoa học đề xuất “lập trình hóa” trí tuệ và cảm xúc để tạo cho con người niềm tin vượt qua mọi bệnh tật. Thực ra, từ hàng nghìn năm nay, các tôn giáo, tín ngưỡng đã thực hiện điều đó. Niềm tin thể hiện qua việc cầu nguyện, hành hương, nhập thiền... tác động mạnh lên tâm lý con người, giúp chiến thắng bệnh tật.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống