Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2008

Để giúp ăn ngon miệng cho người có tuổi

Hình như chúng ta thường hay nghe người lớn tuổi than vãn rằng sao họ không cảm thấy đói bụng, ăn là ăn vậy chớ sao cũng chẳng thấy ngon như hồi lúc còn trẻ,v.v…

Mà đúng vậy thôi vì máy chạy liên tục trong suốt 60 -70 năm rồi, thì phải yếu đi thôi!

Về già, cơ thể tuy tiêu thụ ít năng lượng hơn lúc trẻ nhưng nó vẫn cần phải được cung cấp dưỡng chất một cách thường xuyên để có thể hoạt động hữu hiệu, để có thể tái tạo lại những mô chết, và cũng để có sức chống lại sự xâm nhập của vi trùng...

Có rất nhiều nguyên nhân có thể làm giảm sự ngon miệng, và làm mất cảm giác đói ở người già (anorexie du vieillissement).

Không đói bụng thì ăn ít nên kéo theo sự suy dinh dưỡng (malnutrition).

Càng về già thì cơ thể càng sản xuất ra chất cholécystokinine.

Đây là một loại hormone tiết ra từ tế bào ruột non, và công dụng của nó là tác động lên thành dạ dầy để kéo chậm lại thời gian thải thức ăn xuống ruột. Dạ dầy thường đầy ăm ắp nên chúng ta cảm thấy no và không ăn thêm thứ gì được nữa. Vị giác và khứu giác cũng mất đi độ bén nhạy lúc về già khiến cho chúng ta ăn cũng bớt ngon.

Tình trạng mất cảm giác ngon miệng càng trầm trọng hơn nếu chúng ta đang uống một vài loại thuốc tây chẳng hạn như thuốc trị rối loạn nhịp đập tim có chứa quinidine, thuốc kháng sinh streptomycine và pénicilline thường làm cho miệng có vị lạ khác thường.

Thuốc kháng đông có chất phénindione, thuốc chống co giật có phénytoine và thuốc trị bệnh Parkinson có lévadopa, tất cả những loại thuốc nầy đều có khuynh hướng làm giảm cảm giác về hương vị.

Sử dụng insuline trong một thời gian lâu dài có thể làm giảm cảm nhận về vị ngọt và về vị mặn.

Nói chung, tất cả những điều vừa kể trên đều dự phần trong việc làm những người nào ở vào lớp tuổi thất thập cổ lai hy ăn bớt ngon miệng và từ đó dần dần mất đi cái thú...ăn uống.

Cũng may có vài mẹo vặt để giúp ăn ngon miệng

- Nên tập thể dục, vận động một tí trước bữa ăn. Chúng ta có cảm giác đói bụng và ăn ngon miệng hơn.

- Tránh uống nhiều nước trước lúc ăn và trong lúc ăn. Tránh cãi lộn, tránh sân si…làm mất đói.

- Các bà nên có nhiều sáng kiến và sáng tạo hơn, như thay đổi món ăn thường xuyên, nên thay đổi menu hoặc đa dạng hóa món ăn, để tránh sự nhàm chán nếu bắt các ông phải ăn hoài một món thấy mà ngán ngược. Thỉnh thoảng hai người nên đi ăn tiệm đổi gu sẽ thấy ngon hơn ăn ở nhà.

- Một ly rượu chát nho nhỏ trước bữa ăn sẽ giúp chúng ta ăn ngon miệng hơn.

- Nếu mất ngon có nguyên nhân từ sự lệch lạc về vị giác, các bà nên tăng thêm gia vị trong lúc nấu nướng. Ớt, tiêu, gừng, sả là những món cần được nghĩ đến.

- Tránh dùng những loại thức ăn chứa quá nhiều dầu mỡ và quá béo vì chúng dễ làm cho mau no.

- Nên ăn thành những phần nhỏ nhưng ăn làm nhiều lần.

- Trong lúc dùng bữa nên nói những chuyện vui tươi và xây dựng, tránh cằn nhằn lẫn nhau về những chuyện không đâu vừa lãng nhách và vừa vô duyên, làm cho bữa cơm ăn mất ngon đúng với câu...“Trời đánh còn tránh bữa ăn”!

Kết luận

Ăn uống là việc rất phức tạp ở tuổi già. Vừa phải thỏa mãn đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng, vừa phải tránh né, kiêng cữ đủ mọi thứ để phòng các bệnh tim mạch, cao máu, tiểu đường, v.v...

Ăn uống đứng đầu trong hàng tứ khoái . Tuy nhiên, càng về già thì lần lần cả bốn món trước sau gì cũng càng từ từ giảm xuống để rồi tắt lịm đi.

Đến một lúc nào đó thì chỉ còn đói con mắt thôi, thấy thì thèm nhưng mà nuốt thì không vô nữa. Đó là dấu hiệu báo trước rằng ngày ra đi của ông anh hay của bà chị không còn xa lắm đâu.

Có lẽ đây cũng là sự an bài sắp đặt công bình của tạo hóa để chúng ta, những người già cả, biết tới ngày tới giờ của mình thì phải chấp nhận và an phận để...ra đi theo ông theo bà vậy./.

NGUYỄN THƯỢNG CHÁNH & NGUYỄN NGỌC LAN