Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Chuyện lạ làng Roseto : những quả tim khoẻ mạnh

Vào đầu những năm 1960s, trong một câu chuyện tình cờ, một nhóm nhà khoa học thuộc trường Đại học Y Oklahoma chợt nghe một chuyện lạ kích thích sự tò mò của những nhà chuyên môn. Đó là tỷ lệ số người chết về bệnh tim mạch ở làng Roseta rất thấp, hầu như bằng không. Trong khi chỉ cách đó không xa, làng Bangor bên cạnh, tỷ lệ nầy lại tương tự như tỷ lệ trung bình chung của nước Mỹ lúc bấy giờ. Roseto là một làng nhỏ nằm ở phía Đông tiểu bang Pennsylvania. Những người nhập cư từ miền nam nước Ý đã đến đây lập nghiệp từ năm 1882. Vào thời đó, trên đà phát triển của cuộc sống công nghiệp, bệnh tim mạch đang gia tăng. Nói chung tỷ lệ nầy cao lên theo độ tuổi. Vậy mà ở làng Roseto, tỷ lệ nầy gần như số không ở những người nam độ tuổi từ 55 đến 64. Trên 65 tuổi, tỷ lệ người chết vì bệnh tim cũng chỉ bằng phân nửa của tỷ lệ cả nước. Chuyện lạ nầy đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhiều ngành. Một số cuộc điều tra nghiên cứu tiếp tục được thực hiện. Những dữ kiện tiếp theo còn làm người ta kinh ngạc hơn. Cả hai loại tỷ lệ về người phạm tội hình sựngười có đơn xin trợ cấp xã hội cũng bằng không! Một thiên đường nhỏ giữa thế gian chăng? Không hẳn! Đây là một cộng đồng còn nghèo, cuộc sống khá vất vả. Những người đàn ông làm những công việc nặng nhọc trong những hầm đá sâu những 200 feet dưới mặt đất. Chiều về, những bữa cơm tối chủ yếu là mì Ý truyền thống. Dầu olive là quá xa xỉ đối với họ. Họ ăn nhiều thịt băm, xúc xích với nhiều mỡ động vật. Hút thuốc và uống rượu vang cũng không phải là điều cấm kỵ đối với họ. Vậy mà bên trong những thân hình vạm vỡ kia lại là những quả tim khoẻ mạnh. Có vẻ như có điều gì đó đã xảy ra ở đây, đi ngược lại với những quy lụât mà những nhà khoa học đã biết được về cơ chế bệnh tim mạch. Ăn nhiều đạm và chất béo động vật dễ làm tăng độ xơ vữa động mạch là nguyên nhân chánh gây ra các loại bệnh về tim mạch. Quy luật nầy đã không xảy ra ở đây. Dân Roseto hầu như được miễn nhiễm khỏi căn bệnh gây chết người hàng đầu ở Mỹ.

Sức mạnh dòng tộc và hiệu ứng Roseto của những gia đình 3 thế hệ.

Khi định cư ở Mỹ, người Roseto vẫn tiếp tục cuộc sống quần cư, sống gắn bó với nhau. Họ có mối liên hệ thân tộc và sinh hoạt tôn giáo rất chặt chẽ. Hiếm có người đi làm ăn xa khỏi thành phố. Các nghiên cứu đều cho thấy mọi gia đình đều có ba thế hệ sống cùng với nhau và quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Những người già không bị xếp xó trong những viện dưõng lão mà vẫn được trọng thị như những vị phán quan trong cộng đồng. Ở đây, bên cạnh cuộc sống đơn giản, không có nhiều nhu cầu để tranh đoạt, còn có một yếu tố thường được nhắc đến trong những sinh hoạt tôn giáo. Đó là đức phó thác. Phó thác là một hệ quả của niềm tin. Giống như ngày nào mà những đứa con chưa thành niên hoặc chưa lập gia đình, còn sống chung với bố mẹ, còn tin tưởng tuyệt đối vào bố mẹ, được bố mẹ chăm sóc từ manh quần tấm áo, cái ăn cái mặc, thì ngày đó, chúng còn được miễn nhiễm khỏi tất cả mọi ưu tư phiền não của đời thường. Chúng không cần phải tranh cạnh, không phải sở hữu, không sợ mất mát. Tin tưởng lẫn nhau, tin vào gia đình, tin vào cộng đồng là một yếu tố quan trọng để có được sự an định nội tâm và giữ gìn giềng mối xã hội.

Báo cáo về “Sức mạnh của dòng tộc” (The power of Clan) do Stewart Wolf, một nhà vật lý, và John Bruhn, một nhà xã hội học cùng thực hiện vào khoảng 1935 đến 1984. Trong báo cáo nầy, các tác giả đã nhận định rằng chính sự tôn trọng, tin tưởng và hợp tác hỗ tương giữa các thành viên trong cộng đồng đã tạo nên sức khoẻ và phúc lạc cho mỗi người và an ninh xã hội cho cả cộng đồng. Ngược lại, thái độ vị kỷ và ít quan tâm đến người khác sẽ gây ra kết quả đối nghịch. Đối với bệnh tim mạch, ông Wolf nói “Mỗi người nhận được sự hỗ trợ của những người khác, đặc tính liên kết chặt chẽ trong cộng đồng là điềm chỉ báo mạnh nhất cho một trái tim khoẻ mạnh, mạnh hơn cả độ cholesterol thấp trong máu hoặc việc không hút thuốc”.

Chia sẻ, kết nối vì những quả tim khoẻ mạnh.

Roseto đã mất đi vị trí độc tôn của mình trong những bảng thống kê. Tuy nhiên, hiệu ứng Roseto vẫn được nhắc đến như là một biểu tượng rõ nét về giá trị truyền thống mà nếp sống cộng đồng đã mang lại cho con người, đặc biệt là trong lãnh vực sức khoẻ tim mạch. Ngày nay, mọi nền y học đều công nhận yếu tố tâm lý, cảm xúc tác động rất lớn đến sức khoẻ vật chất. Trong khi những căng thẳng tâm lý và những dồn nén cảm xúc lâu ngày có thể làm cho khí huyết ngưng trệ, rối loạn hoạt động nội tiết, giảm sức đề kháng, thì ngược lại, cảm giác được bảo vệ, được chia sẻ và niềm phấn khích, sự lạc quan sẽ tạo ra những đáp ứng thư giãn giúp giảm nhịp tim, điều hoà huyết áp và tăng cường hệ miễn dịch. Bác sĩ Dean Ornish là một nhà nghiên cứu về tim mạch người Mỹ, đặc biệt nổi tiếng gần đây về phương pháp điều trị tận gốc bệnh tim mạch bằng liệu pháp tự nhiên. Trong quyển sách “Tình thương và sống còn, Cơ sở khoa học của sự chữa bệnh bằng tình thân” (Love & Survival, The Scientific Basis for the Healing Power of Intimacy), ông đã viết “Tách lìa tình thân gia đình và bạn bè là đầu mối cho mọi thứ bệnh từ ung thư, bệnh tim đến ung nhọt và nhiễm độc”. Lý quang Diệu, nguyên Thủ Tướng Singapore, được xem là người cha đẻ của đảo quốc sư tử, khi nói về những yếu tố để tạo nên thành công, sung mãn và tuổi thọ, ông cho biết “Sự trừng phạt lớn nhất đối với một con người là cứ ngồi yên, tự cô lập mình”. Nhiều nghiên cứu gần đây đều cho thấy những người già thường ra ngoài, tham gia các hội đoàn, các tổ chức xã hội, sinh hoạt nhóm, hoặc sinh lợi, hoặc từ thiện, hoặc vui chơi giải trí, đều có sức khoẻ tốt và tuổi thọ cao hơn so với những người sống cô lập, ít giao tiếp.

Hiện nay, ở nước ta, công nghiệp phát triển, quá trình đô thị hoá và sự thu nhỏ quy mô gia đình là những tất yếu không thể thay đổi được. Tuy nhiên, thực hành điều hoà cảm xúc, sống cởi mở, vị tha, và luôn chia sẻ, kết nối với những người chung quanh là điều mà mỗi người đều có thể làm được ở mọi thời, mọi lúc và mọi nơi. Vì bản thân và vì mọi người, hãy chia sẻ và kết nối!

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

Xin Cám Ơn Cuộc Ðời ( tác giả Hoàng Thanh )


Thứ Năm tới, tuần lễ cuối của tháng 11, sẽ là Lễ Tạ Ơn tại Mỹ. Trân trọng mời đọc bài viết đặc biệt cho mùa lễ tạ ơn năm nay của tác giả Hoàng Thanh. Cô tên thật Võ Ngọc Thanh, một dược sĩ thuộc lớp tuổi 30’., hiện là cư dân Westminster, Orange County. Bài viết về Lễ Tạ Ơn của cô mang tựa đề “Xin Cám Ơn Cuộc Ðời” kể lại câu chuyện xúc động, giản dị mà khác thường, bắt đầu từ cái bình thường nhất: “Chỉ với một nụ cười...” Tựa đề mới được đặt lại theo tinh thần bài viết.

***
Thế là một mùa Lễ Tạ Ơn nữa lại đến. Tôi vẫn còn nhớ, lần đầu tiên khi nghe nói về Lễ Tạ Ơn, tôi thầm nghĩ, "Dân ngoại quốc sao mà.... "quởn" quá, cứ bày đặt lễ này lễ nọ, màu mè, chắc cũng chỉ để có dịp bán thiệp, bán hàng để người ta mua tặng nhau thôi, cũng là một cách làm business đó mà..."

Năm đầu tiên đặt chân đến Mỹ, Lễ Tạ Ơn hoàn toàn không có một chút ý nghĩa gì với tôi cả, tôi chỉ vui vì ngày hôm đó được nghỉ làm, và có một buổi tối quây quần ăn uống với gia đình.
Mãi ba năm sau thì tôi mới thật sự hiểu được ý nghĩa của ngày Lễ Tạ Ơn.

Thời gian này tôi đang thực tập ở một Pharmacy để lấy bằng Dược Sĩ. Tiệm thuốc này rất đông khách, cả ngày mọi người làm không nghỉ tay, điện thoại lúc nào cũng reng liên tục, nên ai nấy cũng đều căng thẳng, mệt mỏi, dễ đâm ra quạu quọ, và hầu như không ai có nổi một nụ cười trên môi.
Tiệm thuốc có một bà khách quen, tên bà là Josephine Smiley. Tôi còn nhớ rất rõ nét mặt rất phúc hậu của bà.. Năm đó bà đã gần 80 tuổi, bà bị tật ở tay và chân nên phải ngồi xe lăn, lại bị bệnh thấp khớp nên các ngón tay bà co quắp, và bà lại đang điều trị ung thư ở giai đoạn cuối. Cứ mỗi lần bà đến lấy thuốc (bà uống hơn mười mấy món mỗi tháng, cho đủ loại bệnh), tôi đều nhìn bà ái ngại. Vì thấy rất tội nghiệp cho bà, nên tôi thường ráng cười vui với bà, thăm hỏi bà vài ba câu, hay phụ đẩy chiếc xe lăn cho bà. Nghe đâu chồng bà và đứa con duy nhất bị chết trong một tai nạn xe hơi, còn bà tuy thoát chết nhưng lại bị tật nguyền, rồi từ đó bà bị bệnh trầm cảm (depressed), không đi làm được nữa, và từ 5 năm nay thì lại phát hiện ung thư. Mấy người làm chung trong tiệm cho biết là bà hiện sống một mình ở nhà dưỡng lão.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ vào chiều hôm trước ngày lễ Thanksgiving năm 1993, khi bà đến lấy thuốc. Bỗng dưng bà cười với tôi và đưa tặng tôi tấm thiệp cùng một ổ bánh ngọt bà mua cho tôi. Tôi cám ơn thì bà bảo tôi hãy mở tấm thiệp ra đọc liền đi.
Tôi mở tấm thiệp và xúc động nhìn những nét chữ run rẩy, xiêu vẹo:

Dear Thanh,
My name is Josephine Smiley, but life does not "smile" to me at all. Many times I wanted to kill myself, until the day I met you in this pharmacy. You are the ONLY person who always smiles to me, after the death of my husband and my son. You made me feel happy and help me keep on living. I profit this Thanksgiving holiday to say "Thank you", Thanh.
Thank you, very much, for your smile...


Rồi bà ôm tôi và bà chảy nước mắt. Tôi cũng vậy, tôi đứng mà nghe mắt mình ướt, nghe cổ họng mình nghẹn... Tôi thật hoàn toàn không ngờ được rằng, chỉ với một nụ cười, mà tôi đã có thể giúp cho một con người có thêm nghị lực để sống còn.

Ðó là lần đầu tiên, tôi cảm nhận được cái ý nghĩa cao quý của ngày lễ Thanksgiving.
Ngày Lễ Tạ Ơn năm sau, tôi cũng có ý ngóng trông bà đến lấy thuốc trước khi đóng cửa tiệm. Thì bỗng dưng một cô gái trẻ đến tìm gặp tôi. Cô đưa cho tôi một tấm thiệp và báo tin là bà Josephine Smiley vừa mới qua đời 3 hôm trước... Cô nói là lúc hấp hối, bà đã đưa cô y tá này tấm thiệp và nhờ cô đến đưa tận tay tôi vào đúng ngày Thanksgiving. Và cô ta đã có hứa là sẽ làm tròn ước nguyện sau cùng của bà. Tôi bật khóc, và nước mắt ràn rụa của tôi đã làm nhòe hẳn đi những dòng chữ xiêu vẹo, ngoằn nghèo trên trang giấy:

My dear Thanh,
I am thinking of you until the last minute of my life.
I miss you, and I miss your smile...
I love you, my "daughter"..
.


Tôi còn nhớ tôi đã khóc sưng cả mắt ngày hôm đó, không sao tiếp tục làm việc nổi, và khóc suốt trong buổi tang lễ của bà, người "Mẹ American" đã gọi tôi bằng tiếng "my daughter"...

Trước mùa Lễ Tạ Ơn năm sau đó, tôi xin chuyển qua làm ở một pharmacy khác, bởi vì tôi biết, trái tim tôi quá yếu đuối, tôi sẽ không chịu nổi niềm nhớ thương quá lớn, dành cho bà, vào mỗi ngày lễ đặc biệt này, nếu tôi vẫn tiếp tục làm ở pharmacy đó.

Mãi cho đến giờ, tôi vẫn còn giữ hai tấm thiệp ngày nào của người bệnh nhân này. Và cũng từ đó, không hiểu sao, tôi yêu lắm ngày Lễ Thanksgiving, có lẽ bởi vì tôi đã "cảm" được ý nghĩa thật sự của ngày lễ đặc biệt này.

*
Thông thường thì ở Mỹ, Lễ Tạ Ơn là một dịp để gia đình họp mặt. Mọi người đều mua một tấm thiệp, hay một món quà nào đó, đem tặng cho người mình thích, mình thương, hay mình từng chịu ơn... Theo phong tục bao đời nay, thì trong buổi họp mặt gia đình vào dịp lễ này, món ăn chính luôn là món gà tây (turkey).

Từ mấy tuần trước ngày Lễ TẠ ƠN, hầu như chợ nào cũng bày bán đầy những con gà tây, gà ta, còn sống có, thịt làm sẵn cũng có... Cứ mỗi mùa Lễ Tạ Ơn, có cả trăm triệu con gà bị giết chết, làm thịt cho mọi người ăn nhậu.

Người Việt mình thì hay chê thịt gà tây ăn lạt lẽo, nên thường làm món gà ta, “gà đi bộ.” Ngày xưa tôi cũng hay ăn gà vào dịp lễ này với gia đình, nhưng từ ngày biết Ðạo, tôi không còn ăn thịt gà nữa. Từ vài tuần trước ngày lễ, hễ tôi làm được việc gì tốt, dù rất nhỏ, là tôi lại hồi hướng công đức cho tất cả những con gà, tây hay ta, cùng tất cả những con vật nào đã, đang và sẽ bị giết trong dịp lễ này, cầu mong cho chúng thoát khỏi kiếp súc sanh và được đầu thai vào một kiếp sống mới, tốt đẹp và an lành hơn.

Từ hơn 10 năm nay, cứ mỗi năm đến Lễ Tạ Ơn, tôi đều ráng sắp xếp công việc để có thể tham gia vào những buổi "Free meals" tổ chức bởi các Hôäi Từ Thiện, nhằm giúp bữa ăn cho những người không nhà. Có đến với những bữa cơm như thế này, tôi mới thấy thương cho những người dân Mỹ nghèo đói, Mỹ trắng có, Mỹ đen có, người da vàng cũng có, và có cả người Việt Nam mình nữa. Họ đứng xếp hàng cả tiếng đồng hồ, rất trật tự, trong gió lạnh mùa thu, nhiều người không có cả một chiếc áo ấm, răng đánh bò cạp...để chờ đến phiên mình được lãnh một phần cơm và một chiếc mền, một cái túi ngủ qua đêm.

Ở nơi đâu trên trái đất này, cũng luôn vẫn còn rất rất nhiều người đang cần những tấm lòng nhân ái của chúng ta...

Nếu nói về hai chữ "TẠ ƠN" với những người mà ta từng chịu ơn, thì có lẽ cái list của chúng ta sẽ dài lắm, bởi vì không một ai tồn tại trên cõi đời này mà không từng mang ơn một hay nhiều người khác. Chúng ta được sinh ra làm người, đã là một ơn sủng của Thượng Ðế. như tôi đây, có được ngày hôm nay, ngồi viết những dòng này, cũng lại là ơn Cha, ơn Mẹ, ơn Thầy...

Cám ơn quê hương tôi -Việt Nam, với 2 mùa mưa nắng, với những người dân bần cùng chịu khó. Quê hương tôi- nơi đã đón nhận tôi từ lúc sinh ra, để lại trong tim tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm cả một thời thơ ấu. Quê hương tôi, là nỗi nhớ, niềm thương của tôi, ngày lại ngày qua ở xứ lạ quê người...

Cám ơn Mẹ, đã sinh ra con và nuôi dưỡng con cho đến ngày trưởng thành. Cám ơn Mẹ, về những tháng ngày nhọc nhằn đã làm lưng Mẹ còng xuống, vai Mẹ oằn đi, về những nỗi buồn lo mà Mẹ đã từng âm thầm chịu đựng suốt gần nửa thế kỷ qua.....
Cám ơn Ba, đã nuôi nấng, dạy dỗ con nên người. Cám ơn Ba, về những năm tháng cực nhọc, những chuỗi ngày dài đằng đẵng chạy lo cho con từng miếng cơm manh áo, về những giọt mồ hôi nhễ nhại trên lưng áo Ba, để kiếm từng đồng tiền nuôi con ăn học.....
Cám ơn các Thầy Cô, đã dạy dỗ con nên người, đã truyền cho con biết bao kiến thức đêå con trở thành một người hữu dụng cho đất nước, xã hội...
Cám ơn các chị, các em tôi, đã xẻ chia với tôi những tháng ngày cơ cực nhất, những buổi đầu đặt chân trên xứ lạ quê người, đã chia vui, động viên những lúc tôi thành công, đã nâng đỡ, vực tôi dậy những khi tôi vấp ngã hay thất bại..
Cám ơn tất cả bạn bè tôi, đã tặng cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm - buồn vui- những món quà vô giá mà không sao tôi có thể mua được. Nếu không có các bạn, thì có lẽ cả một thời áo trắng của tôi không có chút gì để mà lưu luyến cả...
Cám ơn nhỏ bạn thân ngày xưa, đã "nuôi"tôi cả mấy năm trời Ðại học, bằng những lon "gigo" cơm, bữa rau, bữa trứng, bằng những chén chè nho nho,û hay những ly trà đá ở căn tin ngày nào.
Cám ơn các bệnh nhân của tôi, đã ban tặng cho tôi những niềm vui trong công việc. Cả những bệnh nhân khó tính nhất, đã giúp tôi hiểu thế nào là cái khổ, cái đau của bệnh tật...
Cám ơn các ông chủ, bà chủ của tôi, đã cho tôi biết giá trị của đồng tiền, để tôi hiểu mình không nên phung phí, vì đồng tiền lương thiện bao giờ cũng phải đánh đổi bằng công lao khó nhọc...
Cám ơn những người tình, cả những người từng bỏ ra đi, đã giúp tôi biết được cảm nhận được thế nào là Tình yêu, là Hạnh phúc, và cả thế nào là đau khổ, chia ly.
Cám ơn những dòng thơ, dòng nhạc, đã giúp tôi tìm vui trong những phút giây thơ thẩn nhất, để quên đi chút sầu muộn âu lo, để thấy cuộc đời này vẫn còn có chút gì đó để nhớ, để thương..
Cám ơn những thăng trầm của cuộc sống, đã cho tôi nếm đủ mọi mùi vị ngọt bùi, cay đắng của cuộc đời, để nhận ra cuộc sống này là vô thường... để từ đó bớt dần "cái tôi"- cái ngã mạn của ngày nào...
Xin cám ơn tất cả... những ai đã đến trong cuộc đời tôi, và cả những ai tôi chưa từng quen biết. Bởi vì:

"Trăm năm trước thì ta chưa gặp,
Trăm năm sau biết gặp lại không?
Cuộc đời sắc sắc không không
Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau..."

Và cứ thế mỗi năm, khi mùa Lễ Tạ Ơn đến, tôi lại đi mua những tấm thiệp, hay một chút quà để tặng Mẹ, tặng Chị, tặng những người thân thương, và những người đã từng giúp đỡ tôi. Cuộc sống này, đôi lúc chúng ta cũng cần nên biểu lộ tình thương yêu của mình, bằng một hành động gì đó cụ thể, dù chỉ là một lời nói "Con thương Mẹ", hay một tấm thiệp, một cành hồng. Tình thương, là phải được cho đi, và phải được đón nhận, bởi lỡ mai này, những người thương của chúng ta không còn nữa, thì ngày Lễ Tạ Ơn sẽ có còn ý nghĩa gì không?

Xin cho tôi được một lần, nói lời Tạ Ơn: Cám ơn lắm, cuộc đời này....

Hoàng Thanh
Mùa Thanksgiving 2009

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

Hiểu đời- Tâm sự tuổi già


Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.

Qua một ngày mất một ngày
Qua một ngày vui một ngày
Vui một ngày lãi một ngày

Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì.

Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi.. Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.

“Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú”

Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc,cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sông, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.

Tiền bạc là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình.
Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn.
Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút hỏi vài câu là thấy đủ rồi.
Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ.
Nhà`cha mẹ là nhà con; nhà con không phải là nhà cha mẹ.

Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp.

Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.

Ôm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi.
Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy.
Cái được, người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm.

Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao.. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.
Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (tỷ thượng bất túc tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt, tự tìm niềm vui.

Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ nghĩ ra, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên.

Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao,
Tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý thích hay không thích của người khác, nên sống thật với mình..

Sống ở trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già, tâm không già, thế là già mà không già;
Tuổi không già, tâm già, thế là không già mà già.
Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ; quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ; quá ồn áo thì khó chịu…. Mọi thứ đều nên “vừa phải”.

Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống….)
Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh)
Người khôn phòng bệnh , chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống..
Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ,
ốm mới khám chữa bệnh….. Tất cả đều là muộn.

Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy, tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị; tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

“Hoàn toàn khỏe mạnh”, đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp; đạo đức khỏe mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.
Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cuộc sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng đa nguyên, nhiều màu sắc, có một hai bạn tốt thì chua đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (hay nhớ chuyện xa xưa)? Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tim lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống.

Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già

Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được,
Quả ngắt vội không bao giờ ngọt.

Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi.
Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình một dấu châm hết thật tròn.

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Chuẩn bị đi làm trong vài phút (How to get up, eat breakfast and get ready for work in 5 mins! )

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

Củ hành tây chưa bóc vỏ ngừa cúm

Năm 1919, khi dịch cúm hoành hành lúc đó đã giết 40 triệu người. Có một vị bác sỉ đến thăm những nông phu tá điền để xem họ có cần giúp đỡ gì về việc chống lại dich cúm đó không, vì bao nhiêu nông phu tá điền và gia đình của họ đã bị nhiểm trùng và đã bị chết rất nhiều!

Vị bác sỉ này đến thăm gia đình một tá điền thi ông lấy làm ngạc nhiên khi thấy ai cũng rất là khỏe mạnh! Khi vị bác sỉ nầy hỏi người tá điền là họ đã làm gì khác hơn những gia đình xấu số kia, thì ngừơi vợ trả lời là, bà đã đặt một củ hành (hành tây) chưa bóc vỏ, lên một cái tô để trong mỗi phòng (thời gian nầ y có lẻ chỉ có 2 phòng mà thôi!). Vị bác sĩ này không có thể tin được chuyện như vậy, bèn hỏi xem ông có thể lấy một trong những củ hành đó, đặt dưới kính hiển vi để coi có thật không! Bà vợ ông tá điền liền cho bác sĩ một củ hành, ông bèn để củ hành đó dưới kính hiển vi, và quả thật như vậy, ông thấy những con vi khuẩn của dịch cúm đã ở trong củ hành đó. Di nhiên là chúng đã bị củ hành hút vô. Vì thế mà cả gia đình tá điền nầy vẫn mạnh khỏe như thường!

Bây giờ thì tôi nghe câu chuyện của bà chủ một mỹ viện ở Arizona, bà ta nói là mấy năm trước kia, nhân viên trong mỹ viện của bà đã bị bệnh cúm, ngay cả những khách hàng của bà cũng bị bệnh nữa! Năm sau đó, bà bèn lấy vài củ hành đặt trên vài cái tô, để khắp nơi trong tiệm. Bà lấy làm ngạc nhiên là không một nhân viên nào của bà bị mắc bệnh cúm trong năm đó! (Dĩ nhiên như bạn thấy, bà không phải là co n buôn của dịch vụ hành củ gì cả, phải không?)

Mục đích của câu chuyện này là, bạn nên đi mua hành củ về để trong vài cái tô mỗi phòng trong nhà! Nếu bạn làm việc ở văn phòng, bạn cũng nên để vài nơi, dưới hoặc trên bàn hay chổ nào đó! Bạn cứ thử xem nó ra sao, gia đình tôi đã thử năm vừa qua, kết quả là không ai bị cảm cúm hết! Nếu cách chữa mẹo này giúp bạn và gia đình chống được bệnh cúm thì nhất rồi !!! Nếu bạn có bị nhiểm trùng, thì nó cũng sẻ chỉ là cảm thường mà thôi!

Chỉ vài đồng mua lấy một túi củ hành thì cũng chẳng có mất mát là bao...
Cứ thử đi cho biết, nếu tốt, nên phổ biến !!!

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2009

"Khắc tinh" của dạ dày trong ăn uống


Thói quen ăn uống không hợp lý và kho học là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các bệnh nguy hiểm như: viêm loét dạ dày, đau dạ dày, ung thư dạ dày…Để dạ dày luôn khỏe mạnh, bạn đừng nên mắc phải các lỗi dưới đây trong ăn uống:

1. Ăn quá nhanh

Ăn quá nhanh thường gây nên hiện tượng khó tiêu hoá vì khi lượng thức ăn được “nạp” vào quá nhanh, dạ dày không kịp tiết dịch và tiến hành co bóp để tiêu hoá thức ăn. Thói quen ăn nhanh lâu ngày có thể dẫn tới bệnh đau dạ dày.

2. Ăn quá no

Chức năng tiêu hoá thức ăn của dạ dày sẽ giảm đi đáng kể khi cơ thể bạn trong trạng thái ăn quá no. Lượng thức ăn chưa kịp tiêu hoá hết sẽ lên men gây “áp lực” cho dạ dày nên hiện tượng trướng bụng, khó tiêu và đau dạ dày, viêm loét dạ dày là điều khó tránh khỏi.

3. Vừa ăn vừa làm việc

Người có thói quen vừa ăn vừa làm việc có khả năng mắc các bệnh về dạ dày cao gấp 3 lần người khác. Nguồn: bacsi.com

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người có thói quen vừa ăn vừa làm việc có khả năng mắc các bệnh về dạ dày cao gấp 3 lần những người khác. Khi làm việc, nhất là làm việc trí não, một lượng lớn máu sẽ được “huy động” tới trung khu thần kinh để phục vụ cho các hoạt động trí não. Lượng máu cung cấp cho dạ dày để thực hiện chức năng tiêu hoá cũng từ đó mà giảm đi.

Do vậy, vừa ăn vừa làm việc sẽ gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của dạ dày và các cơ quan tiêu hoá khác, dễ gây ra bệnh đau dạ dày.

4. Ăn quà vặt

Cũng như hoạt động của tất cả các cơ quan khác trong cơ thể, hoạt động của dạ dày và các cơ quan tiêu hoá cũng cần có quy luật làm việc và nghỉ ngơi. Việc ăn quà vặt thường xuyên sẽ phá vỡ quy luật này và buộc dạ dày luôn ở trong trạng thái “tất bật” để tiêu hoá thức ăn.

5. Ăn đồ ăn lạnh

Những thức ăn hoặc đồ uống lạnh sau khi đi vào dạ dày sẽ làm nhiệt độ trong dạ dày giảm đi rõ rệt. Các mao mạch trong thành dạ dày sẽ co lại ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tiếp nhận cũng như co bóp để tiêu hoá thức ăn.

6. Ăn nhiều thực phẩm chua cay

Các thực phẩm có vị chua sẽ kích thích việc tiết axit và các men tiêu hoá trong dạ dày. Khi lượng axit và men tiêu hoá quá nhiều có thể gây ra viêm loét dạ dày.

Các thực phẩm cay nóng khi ăn quá nhiều có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho các lớp niêm mạc dạ dày, từ đó có thể dẫn tới hiện tượng bỏng hoặc xuất huyết dạ dày.

7. Rượu bia quá độ

Đây là nguyên nhân cơ bản của bệnh đau dạ dày và ung thư dạ dày. Các men vi sinh có trong thành phần của rượu bia khi uống ở mức độ vừa phải sẽ là “trợ thủ” đắc lực của dạ dày trong việc tiêu hoá thức ăn. Tuy nhiên việc uống bia rượu quá độ lại gây ra những rối loạn trong đường tiêu hoá và làm hạn chế khả năng điều tiết thức ăn của dạ dày.

Theo Dân Trí