Thứ Ba, 11 tháng 11, 2008

Đến sớm, thoát cảnh tàn phế


Chăm sóc bệnh nhân Hồ Đắc Tâm, 58 tuổi, Q.3, TP.HCM bị hôn mê sau tai biến xuất huyết não tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (ảnh chụp chiều 26-5) - Ảnh: N.C.T.

18g40, tiến sĩ N.T.H., 36 tuổi, đang nấu ăn tại nhà, đột ngột thấy choáng váng, tê rần và yếu cả tay cùng chân trái, không đi lại được; đặc biệt mắt không nhìn được nửa không gian bên trái, chỉ nhìn thấy nửa tô canh, nửa bàn ăn.

Ngờ rằng mình bị tai biến mạch máu não (TBMMN), tiến sĩ H. gọi chồng đưa đến Bệnh viện An Bình.

Bác sĩ trực cấp cứu xác định tiến sĩ H. đúng là đã bị TBMMN và do đây là một trường hợp đến sớm (45 phút kể từ thời điểm khởi bệnh đến lúc vào phòng cấp cứu) nên nạn nhân có cơ may được điều trị với liệu pháp tích cực mới dùng thuốc tiêu huyết khối rTPA. Đội điều trị TBMMN của bệnh viện khởi động và bệnh nhân được đưa ngay vào đơn vị điều trị TBMMN.

21g, các bác sĩ hội chẩn và kết luận tiến sĩ H. bị TBMMN do tắc động mạch não sau và hợp chuẩn với liệu pháp điều trị tiêu huyết khối. 21g10, liệu pháp bắt đầu.Năm phút sau, tiến sĩ H. thấy vùng không gian nhìn được bên trái dần dần mở rộng ra. Bốn giờ sau, các triệu chứng hầu như biến mất hoàn toàn, không còn tê, yếu tay chân trái, đi lại được.

Sau tám ngày cấp cứu, tầm soát nguyên nhân bệnh và nghỉ dưỡng, bà xuất viện ngày 12-5 trong tình trạng khỏe mạnh, chỉ với một triệu chứng nhỏ còn tồn tại, thấy một vùng mờ nhỏ ở không gian góc tư trên trái không ảnh hưởng đến việc nhìn, đọc.

Liệt một bên

"Tốt nhất là đến bệnh viện trước 60 phút tính từ khi có triệu chứng đầu tiên"

TBMMN là một bệnh nghiêm trọng, là bệnh gây tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư nhưng lại là bệnh gây tàn phế số một. Các nghiên cứu gần đây đã kết luận những nạn nhân bị TBMMN nhập viện sớm, nhất là được điều trị ở nơi có đơn vị điều trị TBMMN, có tỉ lệ tử vong và tàn phế giảm đáng kể.

Bệnh nhân đến bệnh viện sớm hay không phụ thuộc nhiều yếu tố như mạng lưới cấp cứu, quãng đường đến bệnh viện, tình trạng giao thông. Tuy nhiên, có lẽ yếu tố làm chậm hơn cả chính là nạn nhân và gia đình không biết mình hoặc thân nhân bị TBMMN và không biết đây là một bệnh nghiêm trọng, là một bệnh cấp cứu tối khẩn để nhanh chóng vào bệnh viện, mà lại chần chừ chờ đợi xem sao hay cạo gió, cắt lể, chờ đi khám bác sĩ quen...

Thực tế phần lớn các trường hợp TBMMN không phải là khó nhận biết. Một người, nhất là người có tuổi, đột ngột yếu hoặc liệt tay và chân một bên thì gần như chắc chắn đó là một nạn nhân của TBMMN. Bệnh cảnh này lại là bệnh cảnh thường gặp nhất của bệnh.

Trong ba giờ

TBMMN có thể do một mạch máu trong não bị tắc lại hoặc vỡ ra. Trong trường hợp mạch máu não bị tắc lại như trường hợp của tiến sĩ H., đại đa số do có cục máu đông lấp kín lòng mạch. Một phương sách điều trị được coi là hữu hiệu nhất hiện nay là dùng thuốc để nhanh chóng làm tan cục máu này, tái thông mạch máu giúp máu đến não trở lại, cứu cho mô não không hư hỏng thêm nữa và nhờ vậy giảm được nguy cơ tử vong, mức độ tàn phế. Ở VN hiện có ba bệnh viện tại TP.HCM là Bệnh viện An Bình, Bệnh viện 115, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định triển khai ứng dụng liệu pháp này trong chương trình nghiên cứu ứng dụng điều trị tiêu huyết khối cho bệnh nhân tắc mạch não, một chương trình cấp thành phố do GS.TS Lê Văn Thành chịu trách nhiệm.

Liệu pháp tiêu huyết khối với rTPA là một giải pháp cấp cứu, giúp giảm tàn phế cho bệnh nhân ở thời điểm mạch não bị tắc, không phải là giải pháp trị liệu tận gốc nhưng hết sức quan trọng vì một khi bệnh nhân đã tàn phế, các trị liệu khác nhằm giải quyết nguyên nhân, phòng ngừa tái phát... cũng giảm ý nghĩa rất nhiều.

Liệu pháp chỉ dùng được trong vòng ba giờ kể từ lúc bắt đầu có triệu chứng của bệnh. Đội điều trị TBMMN cần 1g-1g30 phút để xác định tình trạng hợp chuẩn của bệnh nhân với liệu pháp nên bệnh nhân cần đến trước 1g30 phút. Tốt hơn là đến bệnh viện trước 60 phút tính từ khi có triệu chứng đầu tiên để trừ hao những trục trặc không lường trước.

BACSI.com