Tác giả Hồ Phi, cư trú tại California, khi chuyển bài cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ bằng điện thư, không cho biết tiểu sử. Bài viết đầu tiên của ông, tuy chỉ giới hạn trong bệnh về mắt nhưng chứa nhiều chi tiết tỉ mỉ, hữu ích.
Tục ngữ ta có câu "Bảy mươi chưa què, Chớ khoe rằng lành". Thực vậy, một người bình thường khoẻ mạnh, đẹp đẽ, rủi ro có thể thình lình đến làm trở nên tàn phế. Bịnh hoạn xảy ra bất chợt, không biết đâu tiên liệu, đề phòng.
Mới đây, tôi được tin một người quen cũ ở Việt Nam, khoẻ đẹp một thời, nay hoàn toàn mù loà tàn tật từ hôm bà ấy đi nhổ răng cách nay 10 năm. Ngay khi răng được lôi ra, bà thấy tối tăm mặt mày, và sau đó chỉ toàn một màu đen tối, bà không còn thấy gì nữa. Tuy rằng đôi mắt bà vẫn mở, nhắm, người chung quanh nhìn vào vẫn tưởng đôi mắt khoẻ mạnh như bình thường. Nghe kể lại, vài bác sĩ quen ở đây cho là không phải vậy, vì mắt và răng đâu có liên hệ gì. Nhưng có ai đã học, biết, hoặc kinh nghiệm hết mọi chuyện vì những điều, những kiến thức chúng ta chưa biết tới, chưa khám phá ra mênh mông như vũ trụ.
Nhân chuyện nầy, ông Tuấn, một người bạn già của người viết, đem chuyện tối mắt của ông ấy ở Mỹ ra kể lại.
* * * * *
Cách đây 7 năm, lúc ông Tuấn vào tuổi 60, tốt lão khoẻ mạnh, đi đứng nhanh nhẹn không kém một trai trẻ. Tuy có đông con, nhưng tất cả đều đã ra riêng. Từ lúc chúng 17, 18 tuổi vào đại học, và sau khi ra trường, không đứa nào quay lại, nên chuyện gì nặng nhẹ ông cũng lụi hụi một mình. Một sáng Thứ Bảy mùa Hè, ông sắp xếp lại garage.
Bưng lên bợ xuống một số đồ đạc thường thường, nhưng với tuổi Tuấn lúc nầy kể là nặng và có phần căng gân cốt.
Sau một hồi hì hục, ông vào phòng nằm nghỉ. Bật TV lên xem, ông thấy màn ảnh TV có hai nấc, một nửa giống như ngoài nắng, một nửa như trong bóng râm, và như có vài tia chớp trong mắt. Cảm thấy trong mắt có sự bất thường, tuy không có gì đau nhức đáng kể, ông đến bác sĩ gia đình, không khám biết được gì, nhưng ông được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa bịnh mắt ở Bolsa.
* * * * *
Lần đầu tiên đến bác sĩ chuyên khoa giải phẫu mắt, Ong Tuấn không ngờ rằng người ta bị bệnh mắt cũng khá đông. Chờ một hồi lâu, Ong Tuấn được đưa ngồi vào ghế để đọc các chữ E to nhỏ. Ban đầu mắt trái được che kín, để đọc bằng mắt phải. Cô y tá thử tới thử lui một lát, ô. Tuấn chẳng thấy gì cả, chỉ một màu đen mà thôi. Che mắt phải, mắt trái vẫn còn thấy rõ, ô.Tuấn rất ngỡ ngàng sao lại có chuyện khác thường như vậy, vì cả hai mắt lối giờ vẫn tốt đều.
Sau một lát nhỏ thuốc mở rộng con ngươi, bác sĩ soi đèn vào xem xét, và cho ô Tuấn biết : Võng mô mắt phải bị rời rách (Retina Detachment, OD).
Lo sợ, Tuấn hỏi có thuốc hay cách gì chữa trị không, Bác sĩ bảo ở đây không chữa được và sẽ giới thiệu đi nơi khác để mổ. Nghe phải mổ mắt, Tuấn hoảng hốt hỏi: "Mổ mắt rủi làm tôi đui sao", Bác sĩ bảo: "Mắt phải đã đui rồi, còn đui gì nữa".
Tuấn nhận giấy giới thiệu để đến phòng mạch tư có tên là OC Retina Group ở Santa Ana. Lúc đó đã quá 5 giờ chiều thứ bảy, các văn phòng bác sĩ đều đóng cửa, nên phải chờ đến sáng thứ hai. Về nhà, ô. Tuấn rất hoang mang lo sợ, cả đêm nghĩ buồn không ngủ được. Một mắt thình lình vô cớ đã bị mù, và nếu mắt kia cũng có thể theo đà như vậy, thì sống dở chết dở mà thôi. Tuổi già ở đây buồn cô quạnh. Niềm vui là xem TV và hay lái xe dạo chơi ngắm thiên hạ giàu sang và trời mây phong cảnh ngoạn mục. Nếu mù không thấy gì nữa, thì kể như chết rồi, cuộc sống chỉ là đau khổ trong tăm tối mà thôi.
* * * * *
Trưa Chủ Nhật hôm sau, nơi nhà người con trưởng có party sinh nhật cho đứa cháu. Nằm nhà một mình buồn, Tuấn cũng mò đến tham dự để khuây khoả. Sẵn gặp người con thứ làm MD cũng đến đó. Nghĩ những người trong cùng một nghề, thường biết chuyên môn tài giỏi của nhau hơn, Tuấn đem trường hợp mắt mình ra kể và hỏi: “Con làm cho mấy bịnh viện lớn đã lâu, con có biết bác sĩ chuyên khoa nào giỏi về bịnh nầy, chỉ cho bố đến chữa trị". Ô Tuấn liền được đáp: “Mắt bố đã tốt năm mươi năm rồi, mà còn đòi gì nữa chứ".
Tuấn nghe, tiu nghỉu, thẹn thùng cảm thấy mình có phần nài nỉ tham đời, nên thôi không nói gì thêm nữa. Sự cách ngăn thế hệ (generation gap) và xáo trộn văn hoá (cultural turbulence) đã làm cho người ta không hiểu nhau hoặc thông cảm để giúp nhau. Học thuyết Dương Chu từ Trung Hoa xưa và chủ nghĩa cá nhân vật chất nay ở Hoa Kỳ được kết hợp rất chặt chẽ nơi giới trẻ thịnh thời và đắc địa. Đúng ra mắt Tuấn đã tốt cả 60 năm rồi, bỗng nhiên thình lình mới bị mù, nhưng mấy ai không tham đời, còn sống thì người ta vẫn còn cố tránh bị tật nguyền. Tuấn buồn nhiều hơn, thấy đen tối hơn. Không biết nói gì thêm, Tuấn yên lặng cho đến lúc ai về nhà nấy. Chi tiết nầy được kể như một nét nhỏ mà cũng có thể là đề tài lớn viết về nước Mỹ.
* * * * *
Sáng sớm thứ hai, theo giấy giới thiệu, Tuấn đến phòng nhãn khoa tư có bảng hiệu OC RG ở Santa Ana, bệnh nhân chờ khá đông. Nơi đây có ba bác sĩ gồm hai bác sĩ Mỹ trắng đã đứng tuổi và một bác sĩ người Hoa họ Chen mới ra trường chưa bao lâu. Nơi phòng đợi, các bằng cấp, ghi nơi và thời gian huấn luyện của mỗi bác sĩ đều có treo trên tường. Những bác sĩ này đều có bằng chuyên chữa bịnh võng mô (retina). Thật ra từ nhỏ đến giờ đã hơn 60 tuổi, lần đầu tiên Tuấn mới nghe biết về bịnh mù mắt thình lình nầy.
Lúc nhỏ, ở tỉnh quê, đã ba bốn lần Tuấn bị bệnh mắt đỏ, hai mí mắt sưng húp bị ghèn mủ khô làm dính cứng vào nhau. Sáng dậy, phải dùng bông gòn thấm nước muối hồi lâu cho ghèn mũ tan rã mới mở mắt được. Bệnh có khi kéo dài cả tháng mới khỏi. Đến hơn 20 tuổi, nhìn xa không rõ, Tuấn mới đến optometrist đo độ và đeo kính.
Tuấn cũng đã thấy người ta bị bệnh mắt hột, bên trong mí mắt có những mụt trắng và mí mắt sưng. Có người bị thuỷ tinh thể của mắt dần dần trắng đục, khiến mắt dần dần không trông rõ, nhưng vẫn còn thấy ánh sáng và nhìn cảnh vật lờ mờ. Có người bị cận thị, bị viễn thị có thể chữa bằng cách mang kiến cận hay viễn (trường hợp mắt người già). Có người mắt bị kéo mây phía trước thành mù loà. Có người mắt bị lớn lồi ra. Nhưng trường hợp mắt của Tuấn, người ta nhìn vào vẫn thấy tốt đẹp bình thường không sao cả, nhưng lại mất ánh sáng.
Mắt phải mất ánh sáng xảy ra thình lình và nhanh chóng như vậy như vậy là do Võng Mô (retina), mạng lưới thần kinh toả ra trong đáy mắt nối liền với thần kinh thị giác trong hốc mắt tiếp liền với trung khu thị giác trong não bộ bị tổn thương. Võng mô tiếp nhận ánh sáng, hình ảnh và màu sắc truyền vào não khiến ta thấy được. Võng mô bị tróc ra hay thương tổn cũng như miếng film trong máy chụp hình bị hư hỏng hay sút ra, dù máy ảnh, ống kính còn tốt cũng không thâu được hình. Từ trước không nghe ai nói tới bịnh mắt nầy.
Bác sĩ trẻ, họ Chen được sắp xếp chữa trị cho Tuấn. Chen khám lại và giải thích từ trước đã có phương pháp giải phẩu để gắn lại võng mô bên trong mắt (Vitrectomy and Scleral Buckling). Gần đây có phương pháp mới, giản dị hơn đã đuợc áp dụng. Nếu theo phương pháp mới sẽ tránh được việc mổ mắt, vừa đỡ thương tổn, đỡ tốn kém, mà cũng có kết quả tốt. Đó là phương pháp bơm hơi thuốc vào bên trong mắt và dùng kim đông lạnh để gắn lại võng mô (Pneumatic Retinopexy and Retinal Cryotherapy). Nghe phương pháp mới nầy cũng kết quả tốt, Tuấn yêu cầu Bác sĩ Chen áp dụng cho mình.
Tuấn được đặt ngồi trên ghế bên cạnh ghế bác sĩ, một bên là một ống gang như ống acetylen của thợ hàn, nối liền với một vòi kim bơm hơi và một bàn đạp điều khiển cho lượng hơi ra vào nhiều ít. Tuấn ngồi ngửa mặt, mở rộng mắt. Bác sĩ cầm kim đâm vào mắt, bơm hơi thuốc vào, và xả ra nhiều lần, khoảng vài chục phút. Tuấn nghe tiếng hơi bơm vào, rút ra leo pheo, như ngươi ta bơm và xả hơi bong bóng. Đau không thể nói được, nhưng phải cắn răng, hít hà, ráng chịu để may ra thị giác được vãn hồi. Bác sĩ làm xong băng kín mắt phải lại. Tuấn ra về.
* * * * *
Hai hôm sau theo hẹn trở lại, mắt phải được mở ra, Tuấn thấy lại ánh sáng lờ mờ và nhìn vật thấy 2 hình, một hình mờ và một hình rõ, và thấy một bong bóng hơi hình thuẩn trong mắt lao chao ở mi dưới. Bác Sĩ Chen cũng bơm hơi như vậy một lần nữa. Đau lắm, Tuấn vẫn rán chịu.
Ba ngày sau khám lại, đo áp suất mắt, mắt phải đã thấy ánh sáng tốt hơn và đọc được những chữ lờ mờ ở cuối miếng card. Bác sĩ bảo đã tốt rồi và chuyển qua một phòng khác có trang bị một máy có một đầu kim nhỏ như mỏ hàn nối liền vói bộ phận chứa và truyền độ lạnh (có thể là nitrogen lỏng, Tuấn chắc là vậy).
Đây là lần thứ ba Tuấn không thấy bác sĩ chích thuốc tê mê, và Tuấn cũng ngại hỏi tại sao. Có thể bác sĩ có lý do, hay vì đã quên. Tuấn cứ phó thác cho bác sĩ Chen, và ráng chịu đựng. Tuấn vẫn ngồi trên ghế ngửa mặt và bác sĩ ngồi bên. Chen không có phụ tá nào cả. Ông dùng kim lạnh xăm vào bên trong vào tận đáy mắt không biết bao nhiêu phát xăm, như người ta chậm rãi xăm củ gừng làm mứt. Thao tác nầy cũng tương tự như người ta xăm để gắn một miếng vải mui xe bị rời xuống cho dính trở lại vào mui. Tuấn đau lắm, không thể kể được vì thần kinh mắt cảm ứng mạnh và ngay sát vào não. Tuấn nghĩ ngày xưa người ta đã quá khen Quan Vân Trường can đảm giỏi chịu đau, ngồi điềm nhiên đánh cờ để cho Hoa Đà mổ vết thương mũi tên trên cánh tay. Cái đau đó so với cái đau trong mắt Tuấn lúc châm kim nầy thì chẳng đáng chút gì. Tuấn cắn răng chịu đựng, hai lần bơm hơi trước đã làm cho Tuấn chịu đau hơi quen rồi. Nhưng lần nầy đau gấp trăm lần hơn, Tuấn nghiến rắng giữ yên cho bác sĩ làm việc và nhớ đến câu Seul le silent est grand (chỉ có yên lặng là lớn lao mà thôi), tuy rằng có những co rút, nẩy, uốn cả thân thể theo phản xạ tự nhiên không kiểm soát được. Khoảng chừng 40 phút thì việc ép bằng kim lạnh (Cryotherapy) đã xong. Tuấn ra về.
* * * * *
Một tuần sau tái khám, bác sĩ bảo là tốt rồi, khỏi châm nữa, và giới thiệu trở lại bác sĩ nhãn khoa gốc ở Bolsa săn sóc tiếp. Vài tuần sau, Tuấn trở lại bác sĩ ở Bolsa khám lại, cho như vậy là được rồi và không cần thuốc men gì cả.
Lúc ban đầu Tuấn thấy trong mắt có một bong bóng hơi chiếm 1/3 thị trường mắt phải nơi mi dưới, thật ra bong bong hơi nằm ở phía mí trên, nhưng mắt cũng như máy hình thâu hình ảnh ngược. Bong bóng nầy ngày càng nhỏ dần và hơn tháng sau thì biến mất. Mắt Tuấn nhìn thấy hình mọi hình thể đều méo mó và thấy những vệt đen lảng vảng trước mắt, nhìn người nào cũng thấy xấu xí như ma. Nhìn TV thấy hai màn hình méo mó cách nhau. Sau vài năm khi mắt trở lại bình thường, Tuấn đổi kính cận.
Sau sáu năm, mắt phải Tuấn đã phục hồi lại được khoảng 70%, vì dù sao cũng thấy mờ hơn mắt trái. Thỉnh thoảng khi nào làm việc gì hơi nặng nề, thấy mắt hơi bị căng căng, Tuấn liền ngưng lại và đưa tay che một mắt để xem mắt kia còn thấy được không.
Đến nay 6 năm đã qua, nếu che mắt phải, nhìn bằng mắt trái không thôi, Tuấn thấy sáng rõ nhất. Nếu đổi lại, nhìn với mắt phải, Tuấn thấy hình ảnh lu mờ hơn nhưng vẫn có thể còn thấy đường lái xe trong lúc ban ngày. Nếu nhìn bằng cả hai mắt, thì thấy hình ảnh rõ trung bình giữa hai lối trên vừa kể, cỡ khoảng 80 %. Nếu nhìn vào TV lâu cũng có thể nhìn thấy 2 màn hình, một rõ và một mờ nhưng hình ảnh không còn méo mó và đường nét không còn dợn sóng như trước.
* * * * *
Tuấn có hỏi bác sĩ Chen nguyên nhân vì sao võng mô bị tách ra như vậy. Ông không nói rõ nguyên nhân vì sao, nhưng theo tỷ lệ cứ khoảng 10,000 người thì có một người bị như vậy. Nên phòng mạch nhãn khoa chuyên về retina nầy có công việc làm đều đều. Bác sĩ Chen khuyên Tuấn không nên làm việc gì quá nặng. Rất may là Tuấn mới bị vài hôm vàø được chữa trị kịp thời. Nếu để lâu hơn, võng mô đã rách có thể sẽ thoái hoá, không biết có thể chữa lành và phục hồi ánh sáng không.
Vì bệnh nầy xảy ra lần đầu tiên và đột ngột, Tuấn chưa từng nghe biết, nên tò mò tìm hiểu và được biết có người thình lình đang đi đường bỗng bị hai mắt một lúc. Quá rán sức, hay bị tai nạn, đầu bị va chạm mạnh, hay bị đấm mạnh vào mặt cũng có thể bị. Khi xưa cụ Nguyễn Đình Chiểu, đang trên đường đi thi, giữa đường hay tin mẹ mất, cụ bỏ cuộc trở về, thương mẹ, khóc đến mù mắt. Có thể thần kinh bị quá kích động làm thương hại võng mô nên mù chăng, Từ đó Tuấn thường kiểm nghiệm rằng khi làm việc gì nặng thì thấy hơi nhức mắt và thường hay kiểm soát lại mắt mình bằng cách che một mắt và nhìn bằng mắt kia. Khi người ta bị mù một mắt, mắt kia vẫn còn thấy, nên rất dễ không biết để kịp thời chữa trị.
* * * * *
Nhờ kỹ thuật và y khoa tân tiến của nước Mỹ, mắt phải củaTuấn đã bị mù tối, được thấy lại ánh sáng. Bệnh thình lình đui mắt nầy ít khi xảy ra, nên phần đông chúng ta không biết đến, nhưng biết đâu cũng có thể bất chợt xảy đến cho bất cứ ai. Có bệnh còn dễ hơn trúng số. Vậy chuyện nầy được kể như một kinh nghiệm hoặc thông tin. Thiển nghĩ, nên tôi viết bài nầy cho chúng ta cùng biết qua, cũng là chuyện nước Mỹ, và thay ông Tuấn ghi ơn y khoa Mỹ.
Hồ Phi