Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2009

Khỏe và trẻ nhờ tập yoga


Sau bao bộn bề trong công việc, chắc hẳn chúng ta mong có một nơi yên lắng để tĩnh tâm. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng là khó khăn đối với nhiều người sống ở các thành phố vì không gian sống chật hẹp và ồn ào. Để tìm lại sự cân bằng trong tâm hồn, nhiều người đã tìm đến với yoga và họ đã thấy những hữu ích mà phương pháp này đem lại.

Một điều đặc biệt là có tới 90% người đi tập yoga là phái yếu, nhiều chị em cảm thấy… mạnh lên sau tập yoga do họ tự tin vì mình khoẻ, thậm chí là trẻ ra.

Người đàn bà trọc đầu và “bài thuốc” để tóc xanh lại

“Dạo này da dẻ hồng hào quá nhỉ” - lời động viên đầy hảo ý của người bạn tập khiến chị Lê Thị Thu, 52 tuổi ở Hàng Bún (Hà Nội) nở nụ cười hạnh phúc. Từ khi mang trong mình cái “án tử hình” và mắc bệnh ung thư vú, chị rất ít cười. Đầu năm 2007, sau khi phẫu thuật, Thu đã phải trải qua nhiều lần xạ trị, truyền hoá chất nên tóc chị rụng hết, nước da xám ngắt, thần hình tiều tuỵ.

Rời giường bệnh, chị đã đi tập yoga để mong tâm hồn thanh thản và quên đi bệnh tật. Tập yoga đòi hỏi tính kiên trì nên đối với người mang trọng bệnh như chị là cả một sự cố gắng lớn. Lúc đầu, chị chỉ tập 2 buổi/tuần nhưng nay là 4 buổi và chị còn tranh thủ tập thêm ở nhà. Sau vài tháng tập luyện, tóc chị Thu đã mọc trở lại, ăn thấy ngon và không bị giảm cân. Chị bảo: “Có lẽ mình tập luyện thường xuyên nên các bộ phận trong cơ thể luôn chuyển động, mồ hôi toát ra nhiều và mang theo cả chất độc hại. Cứ ba tháng mình đi kiểm tra sức khoẻ 1 lần, lần gần đây nhất cách đây 1 tháng, bác sỹ kết luận các chỉ số về sức khoẻ của mình bình thường, bệnh tiến triển rất chậm - Chị Thu vui mừng nói.

Nếu như gặp ngoài đường, ít ai nghĩ rằng chị Trần Thanh Mai ở Lý Nam Đế (Hà Nội) đã ngoài 50 tuổi. Chị tâm sự: “Trước kia, mình bị bệnh đau nửa đầu. Cơn đau hành hạ thường xuyên nhưng sau 2 tháng tập yoga, tần xuất của cơn đau giảm hẳn. 6 tháng nay mình không thấy cơn đau nào nữa”. Theo chị Mai, luyện yoga giúp cơ thể vận động từng khớp xương, từng cơ bắp, khiến máu lưu thông tốt lên não nên cơn đau đầu của chị đã giảm. Chị tự hào khoe: “Yoga còn giúp cơ thể mình săn chắc và gầy đi 2kg đấy. Nhìn vòng eo của mình đây này, nhiều cô gái trẻ còn lâu mới theo kịp”.

Không muốn bỏ lỡ cơ hội nói về tác dụng của tập yoga, chị Hoàng Thị Loan, ngồi cạnh chen vào: “Tôi bị đau khớp vai nặng trong nhiều năm, không giơ tay lên cao hay ra đằng sau được. Sau hơn 4 tháng tập Yoga, khớp vai đã hết đau”. Chị Loan đã động viên cả con gái đi tập. Em Trần Ngọc Diệp, 14 tuổi, con gái chị Loan tâm sự: Sáng học ở lớp, chiều học thêm, tối học ngoại ngữ nên em rất căng thẳng. Sau khi theo mẹ đi tập Yoga được 3 tháng, những căng thẳng trong học tập giảm bớt, tâm hồn thư thái hơn nên em có hứng thú học tập”.

Nhất tập, lưỡng tiện

Tất nhiên không thể khẳng định yoga chữa được nhiều bệnh, trong đó có bệnh ung thư nhưng theo ông Trương Kim Toàn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Yoga Hà Nội thuộc Hiệp hội CLB Unesco Việt Nam, tập yoga có tác dụng nhất định trong việc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Tại CLB Yoga Hà Nội hiện cũng có 2 giáo viên đã phải phẫu thuật vì bị ung thư. Thông thường những người mắc bệnh này chỉ sống chừng 1-2 năm nhưng sau khi tập Yoga, họ đã sống thêm 7 năm và hiện đang dạy môn học này cho nhiều người.

Ông Toàn là người đã tập yoga 10 năm, ở cái tuổi thất thập nhưng ông vẫn có thể vắt 2 chân lên gáy và ngồi bằng… 2 tay. Theo ông Toàn, thông qua luyện tập yoga, năng lượng được tích tụ, các động tác vặn uốn trong bài tập tạo áp lực lên các tuyến nội tiết, từ đó sản sinh ra hocmon. Lượng hocmon này sẽ được điều hòa, giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng. Các bài tập còn kích thích tuần hoàn máu, mềm các khớp, kéo căng dây chằng, cải thiện hệ tiêu hóa…

Có nghĩa là mục đích ban đầu của tập yoga là để khoẻ ra và tâm hồn thư thái nhưng do được rèn luyện, sức đề kháng của cơ thể nâng cao, ăn ngon, ngủ được, quên đi muồn phiền…Hơn nữa, người tập cũng được khuyên ăn uống hợp lý nên ngoài nâng cao sức khỏe sẽ tránh và hạn chế được sự tiến triển của nhiều bệnh.

Ông Trương Kim Toàn cho rằng: Có hàng trăm động tác tập yoga, một bài tập bắt buộc phài có 5 bước là Thiền, khởi động, tập luyện, xoa bóp và cuối cùng là thư giãn. Khi tập yoga, do phải tập trung cao độ vào động tác và hơi thở nên con người thoát khỏi lo lắng, buồn phiền trong lòng khiến họ thảnh thơi hơn và sẽ bình tĩnh hơn trong cuộc sống. Các phương pháp tập yoga còn chữa được chứng mất ngủ, stress, hen suyễn, đau đầu, giảm lượng mỡ dư thừa tích trữ ở bụng và đùi, giúp cơ thể gọn gàng, thon thả hơn nên phụ nữ, kể cả bạn gái trẻ tìm đến với Yoga ngày một nhiều. Trong số 300 người tập yoga tại các điểm tập thuộc CLB Yoga Hà Nội mỗi ngày có đến 90% là phụ nữ.

Lưu ý gì khi tập Yoga?

Yoga không phân biệt tuổi tác, giới tính, từ em học sinh đến người cao tuổi và cả phụ nữ mang thai tập yoga sẽ giúp tinh thần sảng khoái, cơ thể linh hoạt hơn, giảm thiểu khả năng bị chuột rút, giảm những nguy cơ, lơ lắng khi sinh nở. Tuy nhiên, khi tập yoga, thai phụ cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ và thực hành đúng theo hướng dẫn của người dạy.

Theo TS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Đông Y (BV Trung ương Quân đội 108): Yoga là một phương pháp tu luyện, nghĩa là tìm cách cải tạo toàn bộ con người, trong đó cải tạo tâm tư, tình cảm, tư tưởng, nhân quan là chính. Khác với tập luyện thể dục thể thao hiện đại, yoga thiếu mất vận động nhưng lại là con đường tập luyện của phần nội, mặt tĩnh của con người.

Thực ra, yoga tuy tĩnh nhưng cũng như khí công dưỡng sinh trong tĩnh có động. Theo quan niệm của y học cổ truyền, yoga là một trong những phương pháp tập luyện có tác dụng điều hoà công năng hoạt động của lục phủ ngũ tạng, làm cho hệ thần kinh thông suốt, khí huyết trở nên dồi dào, mọi quan hệ trên, dưới, trong ngoài thêm gắn bó, giúp cơ thể thích nghi tốt với biến đổi của môi trường bên ngoài. Luyện yoga còn giúp cho cơ thề bồi đắp chính khí, phục hồi và duy trì cân bằng âm dương.

TS Hoàng Khánh Toàn cho rằng, bất cứ phương pháp nào cũng có mặt trái của nó. Nếu tập Yoga sai có thể ảnh hưởng đến tiềm thức, hệ thần kinh, hệ thần kinh và dẫn đến những tác hại khôn lường như trầm cảm, ám ảnh…

Muốn thực hành yoga đạt hiệu quả phải có phương pháp, tốt nhất là có thầy dạy, không nên tự luyện tập. Bên cạnh đó, chỉ tập yoga sau ăn 3 tiếng, thời gian tập thích hợp là vào trước buổi sáng hay buổi chiều.

Lúc đầu, tốt nhất tập ít, khi tập nên mặc quần áo mềm mại, thoáng và tắm, rửa tay chân trước khi tập, nếu bị đau, cảm cúm thì không nên tập. Sau khi tập phải xoa bóp chân, tay, và toàn bộ cơ thể, đặc biệt là các khớp và không tiếp xúc với nước ít nhất 10 phút sau tập. Để nâng cao sức khỏe, người tập cần tập các động tác cơ bản trước, sau đó tập các bài tập nâng cao liên quan đến bệnh tật của mỗi người.

(Theo Thế giới phụ nữ)