Bên cạnh các nguyên nhân gây bệnh tim mạch như béo phì, đái tháo đường, rối loạn lipid máu... thì thiếu vitamin B1 và nhiễm độc ethanol trong rượu cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến suy tim và các bệnh lý tim mạch khác. Trong điều kiện hiện nay khi đời sống kinh tế được cải thiện, thì đối tượng mắc chính lại là những người nghiện rượu, phụ thuộc rượu.
Bệnh từ thói quen có hại
Không hiếm những bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng suy tim kèm theo các cơn sảng rượu. Đó là những người có thời gian uống rượu lâu, uống nhiều và đã rơi vào tình trạng phụ thuộc rượu. Hậu quả của nhiều năm uống rượu đang tàn phá sức khỏe của người bệnh. Sự thiếu hụt vitamin B1 và nhiễm độc ethanol trong rượu nhiều năm ở người nghiện rượu sẽ gây ra nhiều bệnh khác nhau trong đó có bệnh về tim mạch mà cụ thể là tình trạng suy tim và nhiều bệnh lý tim mạch nguy hiểm khác. Các bệnh tim mạch này đều có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Suy tim do thiếu vitamin B1 thường gặp ở những người có chế độ dinh dưỡng kém. Đó là những thủy thủ có cuộc sống lênh đênh nhiều ngày trên biển, chế độ ăn nghèo nàn không đủ vitamin B1 cung cấp cho cơ thể. Bệnh còn gặp ở những nơi có đời sống khó khăn, ăn gạo để lâu ngày không còn chất dinh dưỡng. Trước đây hay gặp bệnh nhân suy tim nhập viện do thiếu vitamin B1, nhưng hiện nay rất ít vì đời sống đã được cải thiện, thì tình trạng này chỉ gặp ở những người nghiện rượu.
Hậu quả trên hệ tim mạch
Những liều vừa phải của rượu có thể có cả tác dụng có hại lẫn có lợi đối với những người có tình trạng tim mạch bình thường và không dùng một thứ thuốc nào khác. Ethanol làm giảm sự co bóp của cơ tim và gây giãn mạch ngoại vi, hậu quả là làm giảm nhẹ huyết áp do vậy cơ thể phải bù trừ bằng cách tăng nhịp tim cũng như hiệu suất tim phải tăng bù. Mức tiêu thụ ôxy của cơ tim do tập thể dục sẽ cao hơn sau khi uống rượu. Uống tối đa 1-2 cữ rượu mỗi ngày trong một khoảng thời gian dài có thể làm giảm nguy cơ tử vong do tim mạch, có thể là do tăng cholesterol có tỷ trọng cao (HDL-C) hoặc những thay đổi trong các cơ chế đông máu.
Kết quả, uống nhiều rượu là một nhân tố quan trọng góp phần làm tăng huyết áp từ nhẹ đến vừa, tuy nhiên huyết áp sẽ trở về bình thường trong vòng vài tuần sau khi ngừng uống rượu. Nghiện rượu nặng mạn tính có thể gây bệnh cơ tim với những triệu chứng như loạn nhịp tim, giãn các buồng tim, giảm sức co bóp cơ tim và cuối cùng là suy tim. Có một sự liên quan giữa những biến chứng mạch máu não và uống rượu, nhất là trong vòng 24 giờ sau khi uống nhiều rượu. Những rối loạn nhịp nhĩ hay nhịp thất, nhất là nhịp nhanh kịch phát cũng có thể xảy ra sau khi uống nhiều rượu ở những người bình thường - đó là một hội chứng được gọi là hội chứng “tim ngày nghỉ”.
Thiếu vitamin B1 làm người bệnh mệt mỏi, gầy sút, khó thở, phù, tím tái, giảm khả năng gắng sức... dần dần dẫn đến suy tim. Đây là giai đoạn quả tim không còn đủ khả năng bơm máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Khi tim bị suy, khả năng co bóp của cơ tim bị suy giảm khiến lượng máu cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể không đầy đủ. Từ đó sẽ dẫn đến ứ máu ở phổi và ứ dịch ở các mô trong cơ thể. Tưới máu cho thận cũng bị giảm đi, làm thận giảm khả năng bài tiết muối, gây giữ nước và dẫn đến phù rồi bị suy thận. Tương tự như ở phổi, gan cũng bị ứ máu, do vậy khả năng loại trừ chất độc cho cơ thể cũng bị giảm đi, đồng thời giảm việc tạo ra những protein cần thiết... Theo thời gian, sự suy giảm sẽ biểu hiện ở toàn bộ cơ thể. Ngoài nguyên nhân do thiếu vitamin B1, suy tim còn là hậu quả của nhiều bệnh lý tim mạch khác như xơ vữa động mạch vành, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, tăng huyết áp, các bệnh van tim...
Viêm cơ tim cấp có tỷ lệ tử vong rất cao, những bệnh nhân vào viện thường bị khó thở, nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường hoặc giảm, men tim tăng rất cao, phù chân, gan to... Biến chứng loạn nhịp tim là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất, đặc biệt là nhịp nhanh thất và blốc nhĩ thất cấp 3.
Thay đổi lối sống là cách phòng bệnh quan trọng
Điều trị bệnh bằng chế độ dinh dưỡng tốt hơn và bổ sung lượng vitamin B1 mà cơ thể bị thiếu, đồng thời điều trị những yếu tố khác như loạn nhịp, huyết áp... Nếu bệnh nhân bị viêm cơ tim cấp mà có rối loạn nhịp tim, suy tim nặng, suy hô hấp thì rất khó cứu chữa. Sau điều trị viêm cơ tim cấp bệnh có thể khỏi hẳn, nhưng đôi khi có thể trở thành bệnh tim mạn tính (suy tim).
Đối với bệnh tim do thiếu vitamin B1, cần chú ý bổ sung vitamin B1 cho cơ thể thông qua chế độ ăn hằng ngày, không nên ăn gạo để lâu ngày. Phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là những người sống trong điều kiện khó khăn như thủy thủ nên uống vitamin B1 dự phòng. Đây là thuốc rất an toàn, nếu thừa sẽ thải qua đường tiểu mà không gây ngộ độc hay có ảnh hưởng gì xấu đến sức khỏe. Quan trọng nhất đối với người nghiện rượu là thay đổi lối sống, không nên uống nhiều rượu, có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.
Theo SK&ĐS