Thứ Ba, 2 tháng 9, 2008

Bài học của người Pháp về ăn uống và giữ eo

Bệnh mập phì đã trở thành phổ biến không những tại Hoa Kỳ, mà ngay tại những nước đang phát triển mạnh như Trung Quốc và Việt Nam, nơi mà vấn đề không còn là “ăn no mặc ấm,” mà là “ăn ngon, mặc đẹp.” Việc giữ cho không lên cân là một mối quan tâm canh cánh bên lòng, nhất là trong giới phụ nữ chúng ta. Trong khi đi tìm đề tài cho Câu Chuyện Phụ Nữ, Minh Phượng bắt gặp một bài viết trên mạng và xin chia sẻ thông tin liên quan đến vấn đề này.

Trong dịp vợ chồng một người bạn ở Pháp sang chơi, Minh Phượng có mời họ đi ăn phở, và nhận xét đầu tiên khi tô phở được bưng ra là “Ô, sao mà lớn quá.” Chợt nhớ lại cách đây hơn 10 năm, khi mới sang định cư tại Hoa Kỳ, MP cũng đã từng viết thư về cho bạn bè còn ở lại Việt Nam nói rằng bát phở ở Mỹ phải được gọi là “chậu” phở mới đúng. Nhưng riết rồi quen, không còn thấy là lớn nữa, cho đến khi người bạn bên Pháp nhắc lại, mới sực thấy là không chừng mình lên cân cũng vì “quen” với những khẩu phần như thế ở Mỹ.

Bài viết của Karen Collins, một chuyên gia về dinh dưỡng của Viện Khảo cứu Ung thư Mỹ, công nhận bệnh mập phì ít phổ biến ở Pháp hơn là ở Hoa Kỳ, và một số nhà nghiên cứu cho rằng một lý do chính là khẩu phần tương đối nhỏ của Pháp. Một số người Mỹ có thể nghĩ rằng nếu bớt khẩu phần đi thì họ sẽ ăn không đủ no, nhưng các cuộc khảo cứu ở cả hai nền văn hóa cho thấy rằng có thể kiểm soát khẩu phần một cách không khó khăn gì nếu theo được các thói quen ẩm thực và triết lý của người Pháp.

Sự tương phản về bệnh mập phì giữa Pháp và Mỹ rất rõ ràng: 32% người Mỹ trưởng thành bị mập phì so với 11% người Pháp. Có thể giải thích phần nào hiện tượng này ở điểm người Pháp vận động thể chất nhiều hơn là người Mỹ, nhưng khẩu phần nhỏ hơn ở Pháp cũng đưa đến việc tiêu thụ ít calori hơn.

Các cuộc khảo cứu ở trường đại học Penn State và Cornell đã liên tục cho thấy rằng khi các phần ăn lớn hơn được dọn ra cho chúng ta, thì chúng ta có khuynh hướng ăn nhiều hơn. Ông Paul Rozin, một tâm lý gia tại truờng đại học tiểu bang Pennsylvania, đã hoàn thành nhiều cuộc khảo cứu sơ khởi so sánh các phần ăn ở thủ đô Paris của Pháp và thành phố Philadelphia của Hoa Kỳ. Ông Rozin và các đồng sự đã lập ra các bảng so sánh các nhà hàng ở Paris và Philadelphia, phân loại nhà hàng theo địa điểm, giá cả và thể loại thức ăn. Các nhà hàng được đưa ra so sánh thuọc cùng một hệ thống hay thể loại song hành, kể cả thức ăn nhanh, thức ăn Tầu, pizza, kem vân vân. Các nhà khảo cứu đã đem cân các phần ăn của những loại thức ăn tương tự được phục vụ tại mỗi nhà hàng. Tại 10 trong số 11 nhà hàng, thì các phần ăn của Pháp nhỏ hơn các phần ăn ở Philadelphia trung bình là 20%.

Để so sánh kích cỡ các phần ăn trong gia đình ở Hoa Kỳ và Pháp thì ông Rozin so sánh cuốn sách dậy nấu ăn phổ thông của Hoa Kỳ là cuốn Joy of Cooking với một cuốn sách dậy nấu ăn tương tự của Pháp. Cỡ các phần ăn trong các công thức nói chung của sách dậy nấu ăn Mỹ lớn hơn 25% với các phần ăn các món thịt lớn hơn tới 53%. Chỉ có các phần rau là nhỏ hơn 24% trong sách dậy nấu ăn Mỹ so với sách của Pháp.

Một lý do khiến các phần ăn nhỏ hơn dường như làm hài lòng người Pháp có thể là mặc dù họ ăn ít hơn, nhưng lại dành nhiều thời giờ hơn để ăn. Tại các cửa hàng bán thức ăn nhanh của McDonald, ông Rozin ghi nhận thời gian trung bình dành cho bữa ăn trưa của người Pháp là 22,2 phút so với 14,4 phút người Mỹ dành để ăn ở McDonald. Một cuộc khảo cứu năm 2004 cho thấy mặc dù thời gian dành cho bữa ăn tối của người Pháp đã giảm bớt trong những năm gần đây, thời lượng trung bình là khoảng 40 phút. Đối với nhiều người Mỹ, như thế cũng đã là quá lâu.

Tác giả bài viết nói rằng cho dù chưa sẵn sàng dành quá nhiều thời gian cho các bữa ăn, ta cũng nên học hỏi một vài điều trong thói quen ăn uống của người Pháp.

Thứ nhất, ta có thể bắt đầu dọn ra ít thức ăn hơn để khỏi phải ăn nhiều. Các cuộc khảo cứu cho thấy khi chúng ta được dọn ít thức ăn hơn, thì lúc đứng dậy, ta không thấy đói. Trong các cuộc khảo cứu của trưởng đại học Penn State, các nhà khảo cứu dọn cho những người tham gia khảo cứu các phần ăn nhỏ hơn 25% so với phần ăn bình thường của họ. Những người tham gia khảo cứu nói rằng họ cảm thấy hài lòng về những phần ăn nhỏ không kém gì khi ăn những bữa lớn.

Thứ nhì, ta nên tìm cách kéo dài thời gian của bữa ăn bằng cách dọn ra từng món một. Theo kiểu Pháp, cả bữa trưa lẫn bữa tối, thức ăn được chia ra nhiều lần dọn. Tập tục này kéo dài thời gian ăn, gây cảm tưởng có nhiều món ăn hơn và giúp cơ thể có thời giờ thỏa mãn. Một số nhà khảo cứu gợi ý rằng ăn chậm giúp ta ăn ngon và thưởng thức món ăn hơn, tạo nhiều thú vị hơn bất kể ăn nhiều hay ăn ít.

Hãy cố gắng dọn món rau trộn tách riêng ra khỏi bữa ăn, hoặc ăn trái cây sau bữa ăn thay vì dọn các phần thịt lớn hơn. Khi đi ăn hiệu, nên nhớ rằng những tiệm ăn kiểu buffet, nghĩa là muốn ăn bao nhiêu thì ăn, có thể làm chúng ta ăn những phần quá lớn. Nếu được dọn những phần ăn lớn, nên bớt ra ngay để đem về nhà để đỡ tránh khả năng là có khi đãng trí mà ta ăn nhiều hơn mức đã dự tính.

Đến đây thì MP cũng xin đóng góp thêm một ý kiến về vóc dáng thon thả của phụ nữ Pháp so với phụ nữ Mỹ. Ấy là trong một chuyến đi thăm nước Pháp, MP nhận thấy phụ nữ ở Paris đi bộ thoăn thoắt từ trạm metro nọ qua trạm metro kia. Có lẽ nhờ hệ thống chuyên chở công cộng rất hữu hiệu của Pháp, phụ nữ Pháp thay vì lái xe thì đi bộ nhiều hơn. Phải chăng đó cũng là một cách rèn luyện thể thao để giúp cho các bà các cô đỡ lên cân?

Theo Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ