Thứ Tư, 2 tháng 4, 2008

Thiền Tập Chữa Bệnh, An Vui


LTS: Thượng Tọa Thích Phụng Sơn vừa phát hành sách Khí Công Tâm Pháp 2, có ấn bản DVD, dày 572 trang để hướng dẫn người muốn học Thiền hay Khí Công. Thượng Tọa cũng đang hứơng dẫn các lớp Khí Công vùng Nam Cali. Độc giả múôn thỉnh sách hay tập Khí Công, nếu tại Quận Cam, xin gọi BS Trịnh Văn Chính, ĐT (714) 636-6804; bà Hạnh Nhân, ĐT (714) 539-3545 để ghi danh; vùng Long Beach gọi chùa Phật Tổ, ĐT (562) 559-5100; vùng Bonsall, Vista, Ocean Side, San Diego gọi ông Huỳnh Xuân Thu, ĐT (760) 310-4056. Sau đây là trích một bài tiểu luận của Thượng Tọa Thích Phụng Sơn về lợi ích của Thiền.)

Khi khoa học đến với thiền, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu kết quả cụ thể về sự thực hành này trong phạm vi y tế và giáo dục. Trên ba mươi năm qua, bác sĩ Herbert Benson qua chương trình nghiên cứu về sự thư giản thân và tâm mà ông ta gọi là The Relaxation Response đã cho biết khi thực hành chú tâm thoải mái vào hơi thở thì tâm thần lắng dịu, huyết áp giảm xuống, nhịp thở chậm lại, tim đập chậm, các bắp thịt thư giản từ đó nhiều bệnh tật cũng bớt đi. Theo sự nghiên cứu của Viên Thân và Tùâm, The Mind and Body Institude? Thì có đến từ 60% đến 70% các bệnh tật là do tâm hay tinh thần sinh ra.

Cuộc nghiên cứu trên cũng thấy rõ các trẻ em thực hành thiền giản dị thì học giỏi hơn, làm việc và phối hợp với các em khác tốt đẹp hơn.

Cách thiền theo bác sĩ Benson thì rất giản dị mà người lớn hay trẻ em điều thực hành được theo một trong ba phương pháp sau đây:

1. Ngồi thoải mái và niệm: trên ghế hay trên gối và nhắm mắt lại. Thư giản các bắp thịt từ dười chân, bắp chân, đùi, bụng, vai, cổ và đầu. Thở vào thở ra thoải mái và niệm một chữ hay một câu theo ý thích của mình lúc thở ra. Nếu có ý tưởng xuất hiện xen kẻ thì đừng quan tâm, ghi nhận và tiếp tục thiền.
2. Ngồi thở thoải mái và đếm số: Đếm 5 hay 10 số ở mỗi hơi thở ra. Ví dụ: Thở vào, thở ra và nói thầm "năm", thở vào, thở ra nói thầm "bốn", cho đến "một" và lập lại từ đầu. Thực hành từ 10 đến 15 phút là thấy thân và tâm êm dịu, thư giản. Nếu không có nhiều giờ, chỉ cần 5 phút thực hành cũng có kết quả tốt.
3. Cử động lập đi lập lại: Có thể ứng dụng thiền, hay tạo ra trạng thái thân tâm, khi đi bộ, chạy bộ, vận động, chơi nhạc, hoặc bất cứ hoạt động nào lập đi lập lại các cử động như đan len, thái cực quyền, khí công, Yoga hay tụng đọc những lời cầu nguyện.
Như thế, ba cách thực hành trên bao gồm thiền tĩnh lặng, ngồi yên, và thiền hoạt động, vận động chân tay nhịp nhàng trong chánh niệm để đưa đến trạng thái thư giản của thân và buông thư hay buông xả của tâm. Trên phương diện thực hành cụ thể, những điều nói trên liên hệ đến các sự tập luyện của nhiều nhóm khác nhau như Thiền, KHí Công, Thái Cực Quyền và Yoga hiện nay.

LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
Trong bài viết Buddha Lessons, bà Claudia kể lại bà Dalia Isicoff bị chứng viêm khớp dạng thứ hai, rheumatoid arthritis (dạng này ở các khớp ngón tay, cổ tay, bàn chân, cổ chân, hông, xương sống và vai nhiều khi phải uống thuốc giảm đau và chống viêm). Bà Dalia chịu cơn đau thống khổ nơi các khớp, cột sống, xương chậu và phải uống thuốc chống đau nhức. Cho đến hôm bà đi tham dự một khóa thiền tại trung tâm chữa trị phối hợp đông tây, University of Maryland’s Center for Integrative Medecine, được chỉ dạy cho phương pháp thiền được gọi là Giảm Căng Thẳng Bằng Thực Hành Chánh Niện, Mindfulness-Based Stress Reduction (MBRS), bà khám phá ra một chân lý kỳ diệu: thay vì chống chỏi với sự đau đớn thì chỉ nhận diện nó, tiếp xúc với nó, biết nó rõ ràng thì cơn đau sẽ dịu lại.

Điều này đức Phật đã nói rõ là phải tiếp xúc với những cảm giác sướng, khổ hay trung tính (không sướng không khổ), cảm nhận tính chất rõ ràng của mỗi thứ. Thực hành sự chú tâm thoải mái, thấy biết rõ ràng là thực hành chánh niệm (mindfulness) thì tâm dần dần trở nên trong sáng, linh động, bén nhạy, tỉnh thức, thấy biết rõ ràng đồng thời không bị cảm giác sướng (lạc thọ) hay khổ (khổ thọ) trói buộc. Ngoài ra, khi tiếp xúc với cảm giác không sương không khổ (trung tính, bất khổ bất lạc thọ), còn gọi là xả thọ, thì tâm đi vào trạng thái vắng lặng nhanh chóng. Từ sự vắng lặng đó tâm mở rộng bao la. Trong không gian rộng lớn đó các nguồn năng lượng của sự thông minh, tình thương yêu trong sáng và niềm hạnh phúc bừng dậy.

Đức Phật đã nói rõ cách thực hành này cho quý Thầy trong kinh Tương Ưng Bộ như sau:
"Giống như giữa hư không,
Gió nhiều loại thổi lên,
Từ phương đông, phương tây,
Từ phương bắc, phương nam.
Gió có lạnh, có nóng
Gió có bụi, không bụi,
Có gió lớn, gió nhỏ,
Gió nhiều loại thổ lên.
Cũng vậy trong thân này,
Khởi lên nhiều cảm thọ,
Lạc thọ và khổ thọ,
Bất khổ bất lạc thọ.
Khi Tỳ Kheo nhiệt tâm,
Tỉnh giác không sanh ý,
Do vậy, bậc hiền giả,
Liễu tri tất cả thọ.
Vị ấy liễu tri thọ,
Ngay hiện tại vô lậu,
Thân hoại, bậc Pháp trú,
Đại trí, vượt ước lường."

Khi tiếp xúc thoải mái với các cảm giác, trong đó có cơn đau nhức, thì thấu rõ bản chất của chúng chỉ là thuần túy năng lượng, không để sự ưa ghét ràng buộc, thì giải thoát ra mọi sự khổ đau và tâm đi vào trạng thái thỉnh thức, trong sáng, bén nhạy, rộng lớn và an lạc như lời của thiền sư Hoàng Trí trong bài thơ:

"Sương và trăng
Sao và suối
Tuyết trên rặng tùng
Và mây lững lờ trên rặng núi
Từ tăm tối chúng đều trở thành rực rỡ
Từ u ám chúng đều biến thành ánh sáng sáng lạn."
(Như Hạnh Dịch, Thiền Đạo Tu Tập)

Đó là cách mà bà Dalia Isicoff đã thực hành hàng ngày sau khi đã học thiền để làm cho các cơn đau nhức do chứng thấp khớp tạo ra dịu bớt xuống đồng thời chuyển hóa chúng và dùng cơn đau như một trợ duyên cho sự thực hành tốt hơn. Và sự thực hành Tứ Niệm Xứ này được áp dụng nhiều nơi để chữa trị rất nhiều loại bệnh tật từ thân tới tâm: Trường Đại Học Stanford có chương trình hướng dẫn bệnh nhân thực hành chánh niệm để thấu suốt tánh chất của các nổi sợ hãi bất an để điều trị, Trung Tâm Nghiên Cứu Sức Khỏe, Tôn Giáo và Tâm Linh, Center for the Study of Health, Religion and Spirituality của trường đại học Indiana State University nghiên cứu về ăn trong chánh niệm giúp giảm chứng béo phì do ăn thấy ngon và an bớt đi cũng như giảm sự uống rượu.
Đó là Thiền với Trăm Hoa Đua Nở, Trăm Nơi Thực Hành.

ĐÔI CÁNH THIỀN MỞ RỘNG TRONG KHOA HỌC

Nhiều trường đai học y khoa và các trung tâm chữa trị các loại bệnh tật chú trọng đến khả năng đóng góp vào sự chữa trị bệnh tật của thiền. Nhiều chứng bịnh có gốc rễ nơi tâm mà bác sĩ Herbert Benson nói trên cho biết có từ 60% đến 70%, hay có thể nhiều hơn nữa, người đi đến phòng mạch bác sĩ xin khám bệnh là do tâm sinh ra.
Ngày nay người ta còn nghiên cứu có phải các chứng bệnh béo phì, hiếm muộn, chứng bịnh đường ruột là do tâm sinh và cách ứng dụng thiền vào việc làm cho đời sống người phụ nữ mãn kinh được an lạc hơn. Tóm lại, đó là hàng trăm cuộc nghiên cứu ích lợi được đem ứng dụng vào nơi làm việc, trường học, nhà thương và các trung tâm giúp gia tăng sức khỏe tinh tần và thể chất.

Những trung tâm thực hành thiền để phát triển sức khỏe chỉ chú trọng cách thực hành thiền theo một phương pháp dễ dàng, cụ thể vào việc giúp cho bệnh nhân chóng lành bệnh và sống đời mạnh khỏe. Trung tâm khuyến khích thực hành chánh niệm để chữa trị bệnh tật Center for Mindfulness in Medecine, Health Care and Society thuộc trường đai học y khoa Massachusetts đã áp dụng cách thực hành do đức Phật dạy trên 2500 năm trước đây để chữa trị hầu như mọi thứ bệnh tật từ áp huyết cao, các chức đau nhức mãn tính, trầm cảm, béo phì đến các phản ứng phụ do sự chữa trị ung thư.

Trên 15, 000 người đã ghi tên tham dự khóa thực hành thiền trong 8 tuần lễ dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Kabat-Zin. Rất đông người khác đã tham dự chương trình tương tự tại nhiều trung tâm y khoa trên nhiều tiểu bang Hoa Kỳ với chương trình tương tự.

Trong khi ngồi thiền 45 phút, các thiền sinh được hướng dẫn cách ngồi, thở, nhận biết các ý tưởng xuất hiện trong tâm, nhận biết tính chất mỗi cảm giác mà không để tâm chạy theo những ưa ghét. Nói khác đi: an trú trong chánh niệm và sống thoải mái trong hiện tại.

Bên cạnh những trung tâm đặc biệt nói trên, nhiều trường đại học y khoa tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, cả trường đại học nổi tiếng Stanford cũng có chương trình hướng dẫn thiền cho sinh viên hay cho bệnh nhân.

Chúng ta nhấn mạnh đến cách thiền trong Phật Giáo vì ngày nay một vài nơi có cách thực hành thiền rất phức tạp và phải lệ thuộc quá nhiều vào người hướng dẫn nhưng không biết kết quả ra sao vì nhiều khi nhuốm quá nhiều màu sắc thần bí. Các nhà khoa học thì khác hẵn. Họ chọn lựa cách thực hành căn bản do đức Phật chỉ dạy là chú tâm thoải mái vào mỗi hơi thở vào, hơi thở ra, nhận biết các ý tưởng khi chúng xuất hiện và biến đi (đừng chạy theo chúng), các cảm giác sướng hay khổ mà không bị các phản ứng ưa hay ghét làm quên lảng hiện tại. Ngoài ra, khi đi, đứng, co tay, bước chân, mặc áo quần, nói tóm lại là mọi cử động chân tay cũng nhận biết rõ ràng qua sự chú tâm thoải mái hay chánh niệm. Đó là thực hành Tứ Niệm Xứ: Chú tâm thoải mái và thấy biết rõ ràng bốn lãnh vực là thân thể, cảm giác, tâm tư và đối tượng nhận thức. Và nhiều nơi, để tránh màu sắc tôn giáo, các nhà nghiên cứu hay hướng dẫn cũng không nhắc nhở gì đến người khai sáng lối thiền này: Đức Phật. Điều này chắc cũng làm đức Phật vui lòng vì đó là sự ứng dụng một đặc tính của thiền: Tính cách vô ngã của mọi thứ.
Thực hành nói trên không giới hạn trong ngồi thiền mà còn cả trong mọi hoạt động thường ngày. Đó là thiền hoạt động. Thực hành thiền tĩnh lặng hay thiền ngồi và thiền hoạt động đưa đến kết quả rất tốt đẹp trong việc chữa trị bệnh tật và đem lại hạnh phúc cho đời sống mỗi ngày. Đó là kết luận của các cuộc nghiên cứu của nhiều bác sĩ và chuyên viên y khoa trong đó có bác sĩ Herbert Benson, người đã làm nhiều cuộc nghiên cứu trên thân thể các thiền sư Tây Tạng tại vùng Hy Mã Lạp Sơn và mới nhất tại Pháp khi các vị thầy Tây Tạng thực hành thiền Tam Muội Hỏa: Ngồi 8 giờ đồng hồ ngoài trời buốt giá với tấm vải quấn mong manh trong nhiệt độ làm nước đóng băng.


THÍCH PHỤNG SƠN